(HNM) - Ngày 10-12, tại khu di tích - danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Ban Hoằng pháp TƯ Giáo hội phật giáo Việt Nam kết hợp với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học
Ảnh: ĐCSVN |
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông - Điều Ngự Giác Hoàng sáng lập năm 1299, sau khi ngộ đạo tại chùa Hoa Yên (Yên Tử, Quảng Ninh) ngày nay. Từ bỏ ngai vàng, xuất gia tu thành chính quả, ngài đã hợp nhất ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (ra đời năm 580), Vô Ngôn Thông (năm 820) và Thảo Đường (năm 1069) thành một, gọi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (năm 1299). Sự hợp nhất ấy tạo thành một đạo Phật nhất tông: Thiền tông. Nhà Trần lấy Thiền tông để thống nhất ý thức hệ dân tộc, làm phương tiện củng cố bộ máy chính quyền, thu phục nhân tâm, phục hồi và phát triển nền tảng đạo đức xã hội. Cũng nhờ tinh thần này, thời đại các vua Trần đã sinh ra nhiều nhân tài, nhân cách cao đẹp, phản ánh đúng đặc trưng tinh thần thời đại: Khoan dung, rộng mở, dân chủ và dũng liệt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ thêm vai trò, vị trí của thời Trần, của Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; những đặc điểm về nội dung, phương pháp hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm; khẳng định sức sống mãnh liệt của Phật giáo Trúc Lâm; luận giải nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm góp phần xây dựng con người mới, nền văn hóa mới Việt Nam văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tối cùng ngày, tại đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng tử trận trên sông Bạch Đằng, cầu quốc thái dân an.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.