Ngày 11-12, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra".
Hội thảo nhằm thúc đẩy công tác đào tạo, tìm kiếm, bồi dưỡng và khuyến nghị các ý tưởng, chính sách thu hút, trọng dụng người tài một cách thiết thực, hiệu quả.
Từ chính sách sử dụng người tài trong lịch sử
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các triều đại quân chủ thịnh trị “tôi hiền - vua sáng”, các bậc minh quân luôn xem trọng người tài, tìm kiếm, thu phục người tài năng.
Về chính sách sử dụng người tài, giai đoạn thịnh trị của các vương triều, người tài được ưu tiên sử dụng vào các vị trí trọng yếu của triều đình, được tin tưởng giao phó các nhiệm vụ hệ trọng. Với tinh thần trọng tài, nhiều đấng minh quân đã đối xử với họ rất khách quan và ưu ái thực tài hơn cả tình thân. Đặc biệt, họ được cất nhắc đúng người, đúng việc nên mọi sở trường, năng lực được phát huy tối đa.
Nghiên cứu về quyết sách sử dụng nhân tài của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam khẳng định, Nguyễn Huệ - Quang Trung là thiên tài quân sự, hoàng đế anh minh, người có công đầu trong công cuộc xóa bỏ Đàng Trong - Đàng Ngoài, cơ sở để tái lập nền thống nhất đất nước, phục hồi văn hóa dân tộc trên phạm vi cả nước. Có được sự nghiệp hiển hách này là nhờ khả năng quy tụ nhân tài và bí quyết dùng người trong quá trình xây dựng phong trào Tây Sơn cho đến lúc thành lập triều đại Quang Trung tại Phú Xuân.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, không thể phủ nhận những thành tựu giáo dục khoa cử Nho học từ các chính sách của triều Nguyễn mang lại về số người đi học, đi thi đông đảo, tổ chức thi cử nghiêm cẩn, mọi người được bình đẳng trong tiến thân, xuất hiện tầng lớp trí thức Nho sĩ trọng danh hơn trọng lợi, xuất hiện nhiều liêm sĩ, coi trọng nghĩa khí hơn tiền tài, sẵn sàng chấp nhận một đời sống vật chất thanh đạm, chuẩn mực trong lối sống cá nhân…
Nghiên cứu về chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm trí thức, trọng dụng nhân tài (những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945)”, PGS.TS Hoàng Văn Hiển, TS Ngô Vương Anh và TS Nguyễn Anh Thư đưa ra nhận định: “Việc trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp cách mạng của Người, đặc biệt ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ý nghĩa của việc trân trọng “Tìm người tài đức” và kinh nghiệm huy động mọi nguồn lực trí tuệ cho cuộc đấu tranh giành lại và bảo vệ độc lập, tự do và sự nghiệp xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn luôn mang nhiều ý nghĩa thiết thực”.
Đến bài học cho hôm nay
Quá trình đẩy mạnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu đang đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngày 31-7-2023, Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, khuyến khích tìm kiếm nhân tài, phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.
Theo ThS Nguyễn Đình Dũng, cần mạnh dạn giao quyền cho người đứng đầu cơ quan/đơn vị/địa phương trong việc phát hiện, thu hút và bố trí, sử dụng người thực tài vào làm việc trong hệ thống Nhà nước (kể cả vị trí lãnh đạo chuyên môn) phù hợp quy định của pháp luật; tránh tình trạng tuyển dụng, sử dụng cán bộ theo tình thân, theo phe cánh và các mối quan hệ, mà bỏ quên người tài.
“Các chế độ, chính sách về điều kiện làm việc, lương thưởng, đãi ngộ, thu hút người tài cần công khai, minh bạch, luật hóa… để người tài có cơ hội lựa chọn và đóng góp, tránh tình trạng chảy máu chất xám liên tục diễn ra trong suốt thời gian qua”, ThS Nguyễn Đình Dũng đề xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị kịp thời luật hóa về người tài và sử dụng người tài trong hệ thống chính quyền, làm cơ sở căn bản xác định khái niệm người tài, vai trò - vị trí, trách nhiệm của người tài, nhiệm vụ - quyền hạn của cơ quan chức năng trong phát hiện, đào tạo, quản lý, sử dụng người tài… Qua đó, xây dựng chính sách thu hút, phát hiện, đào tạo và sử dụng người tài (đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực).
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, đóng góp của người tài trong sự phát triển của đất nước; kinh nghiệm đào tạo, trọng dụng người tài trong lịch sử vận dụng vào công tác cán bộ hiện nay; bài học kinh nghiệm và vấn đề cần giải quyết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.