(HNM) - Sáng 1-8, tại Hà Nội, đại diện các hội văn học nghệ thuật 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay (Hà Nội - Phú Thọ - Ninh Bình - Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) đã tham gia hội thảo nhận định về thành tựu 25 năm đổi mới nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Các đại biểu cùng nhau giải đáp câu hỏi: Có thực sự diễn ra một tiến trình thay đổi diện mạo nào không trong nền văn học nghệ thuật từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề xuất công cuộc "Đổi mới" một phần tư thế kỷ qua? Nhiều ý kiến khẳng định, có sự chuyển mình tích cực, mạnh dạn trong phương pháp sáng tạo ở các lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… theo hướng hiện đại, tách khỏi cái "chúng ta" của tập thể trước đây. Các đề tài sáng tạo cũng được mở ra, xâm nhập cả vào những "vùng cấm" tạo nên nhiều tác phẩm khuấy động công chúng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, gần đây bắt đầu có sự "chậm dần" đổi mới và một số lĩnh vực, địa phương đi vào "bế tắc". Những người có trách nhiệm với văn học nghệ thuật nước nhà cũng tìm được nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đẩy mạnh đổi mới trong hành trình tiếp theo (tới năm 2020) với sự quyết liệt, thiết thực hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.