(HNM) - Sau khi phải trì hoãn nhiều lần kể từ năm 2019 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập (AL) lần thứ 31 đã diễn ra trong hai ngày 1 và 2-11, tại thành phố Algiers (thủ đô của Algeria). Với sự tham dự của lãnh đạo 22 nước thành viên, hội nghị là cơ hội để các nước tìm tiếng nói chung, thống nhất lập trường trước một loạt thách thức đang phải đối mặt, hướng tới mục tiêu duy trì hợp tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thiếu lương thực và năng lượng trở nên trầm trọng, hạn hán và chi phí sinh hoạt tăng vọt khắp Trung Đông và châu Phi. Xung đột tại Ukraine cũng tác động nghiêm trọng tới Ai Cập, Lebanon, Tunisia và một số quốc gia Ả rập khác, khiến các nước này phải vật lộn để nhập khẩu đủ lúa mì và nhiên liệu, đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, không lạ khi vấn đề an ninh lương thực và xung đột tại Trung Đông nằm trong chương trình nghị sự được ưu tiên. Mặt khác, việc Mỹ điều chỉnh chiến lược và chính sách đối với đối tác và đồng minh trong khu vực cũng buộc các quốc gia có liên quan phải tính toán, tự định vị, tìm cách chèo lái qua tác động của những biến động.
Trong bối cảnh đó, “muốn đi xa phải đi cùng nhau” dường như là lựa chọn tất yếu. Mong muốn đoàn kết thể hiện ngay tại lễ khai mạc, khi Tổng thống Tunisia Kais Saied phát biểu thể hiện kỳ vọng các nước Ả rập có thể vượt qua những rào cản về khác biệt để ứng phó hiệu quả với những thách thức chung nói trên.
Tương tự, Tổng thống nước chủ nhà Algeria Abdelmadjid Tebboune cho rằng, các nước trong khối cần gắn kết hơn nữa để đối mặt với "khủng hoảng và căng thẳng" leo thang, đặc biệt khi tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp.
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, sự thống nhất trên toàn thế giới Ả rập là điều “chưa bao giờ cần thiết hơn thế”, đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là điều kiện tiên quyết mang tới ổn định cho khu vực mà còn mở ra cánh cửa để Liên đoàn Ả rập đóng góp tích cực hơn vào hòa bình và an ninh toàn cầu.
Trong các trao đổi tại hội nghị, các bên cũng đã nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại. Tổng Thư ký Liên đoàn Ả rập Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi tìm giải pháp cho những vấn đề xung đột vũ trang còn tồn tại trong khu vực. Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Algeria Abdelmadjid Tebboune cho rằng, các nước trong khối cần gắn kết hơn để đối mặt với "khủng hoảng và căng thẳng" leo thang. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi đổi mới cam kết của tập thể các nước Ả rập đối với Sáng kiến Hòa bình Ả rập để bảo đảm người dân Palestine thành lập một nhà nước độc lập.
Theo giới quan sát, việc các nhà lãnh đạo Ả rập mong muốn tìm được tiếng nói chung lúc này là đúng thời điểm. Lý do không chỉ bởi những thách thức trước mắt đòi hỏi nỗ lực chung tay ứng phó mà còn bởi chuyển biến về cục diện quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác bên ngoài đã tạo cơ hội hiếm thấy và tiền đề thuận lợi cho Liên đoàn Ả rập gây dựng vai trò mới, mở rộng ảnh hưởng quốc tế, tăng cường vai trò chính trị đối với an ninh khu vực. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, sự hợp tác mạnh mẽ sẽ mở ra những cơ hội mới để giải quyết các vấn đề cũ, trong bối cảnh những phương án tiếp cận đơn lẻ lâu nay chưa mang lại hiệu quả.
Dù chưa tạo được bước ngoặt lớn, Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập lần thứ 31 cho thấy mong muốn xích lại gần nhau của các quốc gia thành viên, định hình “kim chỉ nam” cho những nỗ lực đàm phán, hợp tác của khối cũng như khu vực trong thời gian tới. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thế giới ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.