Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc "ngã giá" lịch sử

Quỳnh Dương| 01/12/2015 05:56

(HNM) - Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) vừa có một bước chuyển ngoạn mục sau Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 29-11 với mục tiêu kiểm soát chặt hơn dòng người tị nạn vào Cựu lục địa.


Theo thông báo về kết quả đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã thống nhất một kế hoạch hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư "khuấy đảo" Châu Âu suốt thời gian qua. Ngoài thỏa thuận về việc EU hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro, đổi lại Ankara có trách nhiệm kiểm soát dòng người tị nạn từ nước này sang các nước EU như đã thảo luận trước đó. Điểm đáng chú ý là quyết định sớm nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước EU và dự kiến dỡ bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10-2016. EU cũng nhất trí sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét hồ sơ cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "ngôi nhà chung" bằng việc sắp xếp một vòng đàm phán trong tháng 12 này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ.



Theo nhiều nhà phân tích, đây là cú "ngã giá" có lời đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì hành trình gia nhập EU là tham vọng Ankara theo đuổi từ nhiều năm qua. Mặc dù đã được công nhận đủ tư cách từ năm 1997 và chính thức tiến trình gia nhập vào năm 2005, song các cuộc đàm phán không đạt được do nhiều vấn đề. Lực cản lớn với Ankara là những tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Síp. Một trong những yêu cầu tiên quyết mà các thành viên EU đề ra liên quan tới việc Ankara phải rút quân đội ra khỏi miền Bắc đảo Síp và công nhận một Cộng hòa Síp thống nhất. Bên cạnh đó, nhiều nước EU cũng lo ngại việc một quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi (gần 74 triệu người) gia nhập "câu lạc bộ Thiên chúa giáo" có thể làm bùng nổ những mâu thuẫn về sắc tộc. Hơn nữa, những động thái mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sử dụng để đàn áp người biểu tình chống Chính phủ cũng không nhận được sự đồng tình từ phía EU. Nói chung, tiến trình gia nhập EU gần như giậm chân tại chỗ nhiều năm gần đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ nóng lòng hơn bao giờ hết. Vì vậy, không phải vô lý khi cho rằng, cuộc khủng hoảng di cư Châu Âu đang trao cho nước này cơ hội "vàng".

Kể từ đầu năm đến nay, số người nhập cư bất hợp pháp vào EU đã lên tới hơn 800 nghìn, trong đó hơn 700.000 người đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn từ Syria và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tại Trung Đông. Đây thực sự là một vấn đề nan giải có tác động đến nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực kinh tế dù cho đến nay, chưa có một thống kê hay một con số cụ thể về chi phí, thiệt hại của khủng hoảng người di cư đối với Châu Âu. Trong bối cảnh EU vẫn đang trong tiến trình phục hồi mong manh sau cuộc đại khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, bóng ma của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa biến mất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao... thì việc phải gánh thêm người nhập cư sẽ là một gánh nặng. Nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp tại phần đông các nước EU.

EU khó có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nếu thiếu vai trò của Ankara - cầu nối giữa hai lục địa Á - Âu. Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) hôm 13-11, lo ngại về việc các phần tử khủng bố có thể trà trộn trong dòng người di cư để vào Lục địa già ngày càng tăng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo EU chấp thuận tiếp tục mở lại cánh cửa đàm phán mà Thổ Nhĩ Kỳ coi như một cơ hội lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc "ngã giá" lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.