Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị quốc tế về hòa bình cho Libya: Thành công ban đầu

Quỳnh Dương| 15/12/2015 06:28

(HNM) - Bốn năm sau sự kiện mà các nước phương Tây cho rằng chấm dứt chế độ độc tài Muammar Gaddafi, những tưởng một trang sử mới sẽ mở ra cho người dân Libya nhưng trên thực tế, quốc gia này đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.


Mâu thuẫn nội bộ khiến các hoạt động chính phủ gần như tê liệt. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng mất kiểm soát an ninh ở khắp các địa phương có nguy cơ biến quốc gia Bắc Phi này trở thành thành trì mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lợi dụng bất ổn chính trị tại Libya, IS đã chiếm thành phố cảng Sirte.



Trong bối cảnh như vậy, ngày 13-12, Italia và Mỹ đã chủ trì Hội nghị quốc tế tại Rome (Italia) nhằm hối thúc các phe cánh chính trị đối địch ở Libya nhanh chóng tiến tới ký kết thỏa thuận hòa bình với mục tiêu thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở quốc gia Bắc Phi này. Đây cũng là lần đầu tiên ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G-5+5 (bao gồm đại diện 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Italia, Đức, Tây Ban Nha, Liên hợp quốc và Liên minh Châu Âu) tiếp xúc với các đại diện của Libya. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Italia cũng có sự tham gia của ngoại trưởng các nước trong khu vực như Ai Cập, Algeria, Tchad, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Marocco, Niger, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia. Tuy nhiên, một số ý kiến cảnh báo rằng việc đẩy Libya vào một tiến trình do nước ngoài làm trung gian có thể càng làm gia tăng sự phản kháng đối với thỏa thuận trên, thậm chí phá vỡ những nỗ lực hòa bình trong tương lai.

Sau khi làn sóng cách mạng mang tên Mùa xuân Arab kết thúc ở Libya, tháng 7-2012, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), tức Quốc hội Libya, được bầu ra với nhiệm kỳ 18 tháng. Tuy nhiên, hoạt động của GNC diễn ra khó khăn bởi chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái đã cản trở quá trình lập pháp. Điều này khiến GNC phải thông báo quyết định kéo dài thời hạn hoạt động đến tháng 12-2014 bởi chưa thể soạn thảo ra Hiến pháp mới. Nhưng cũng vì thế mà GNC đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người dân Libya. Căng thẳng chính trị còn dẫn tới những âm mưu lật đổ chính quyền lâm thời. Tháng 8-2014, Liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" đã chiếm thủ đô Tripoli và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ và GNC được quốc tế công nhận phải tá túc tận thành phố Tobruk, ở miền Đông.

Tình trạng chính trị - an ninh bất ổn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Libya. Từng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba Lục địa đen, Libya một thời là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn làm hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm mạnh, có thời điểm sản lượng chỉ bằng 1/7 so với trước khủng hoảng. Các nhà đầu tư cũng chưa dám quay trở lại từ sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Bên cạnh đó, Libya đang là mối nguy đối với an ninh của toàn khu vực khi miền Nam có những dấu hiệu trở thành một lò đào tạo, huấn luyện của các nhóm vũ trang nổi dậy, trong đó có IS. Cách đây một tháng, lợi dụng xung đột giữa các phe phái tại Libya, IS đã đánh chiếm Sirte và lập cứ điểm ở thành phố cảng này. Thời gian gần đây, rất nhiều chuyên gia cho rằng, IS coi Libya như cơ hội tốt nhất để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria vì Libya có vị thế chiến lược ở biển Địa Trung Hải và là một điểm trung chuyển ở Bắc Phi. Hiện IS đang tăng cường lực lượng tại thành phố Sirte bằng cách tuyển dụng thêm những kẻ ủng hộ cũng như lính đánh thuê nước ngoài từ Tunisia, Sudan, Yemen và Nigeria. Theo một số nguồn tin, số lượng tay súng IS tuyển dụng tại Sirte đã lên đến vài nghìn người và không ngừng tăng. Trong một báo cáo mới nhất của LHQ, lực lượng chiến đấu cho IS tại Libya có 2.000 - 3.000 tay súng, trong đó có 1.500 tay súng tại Sirte.

Đến thời điểm này, Hội nghị quốc tế tại Rome được xem như thành công ban đầu trong nỗ lực của LHQ bảo trợ cho các cuộc đàm phán để hai chính phủ đối địch ở Libya và các nhóm vũ trang chấm dứt xung đột. Dự kiến, các phe phái Libya sẽ ký thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất quốc gia vào ngày 16-12. Tuy nhiên, nếu các phe phái tại Libya tiếp tục tranh giành quyền lực, bỏ qua lợi ích chung của đất nước, những bất ổn tại quốc gia này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, nhất là khi thế giới đang phải căng mình đối phó với chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng lan rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị quốc tế về hòa bình cho Libya: Thành công ban đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.