(HNMO) - Ngày 7-1, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn đã chủ trì buổi hội chẩn 2 ca bệnh Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam.
Cuộc hội chẩn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về hô hấp, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, vi sinh, tim mạch, dinh dưỡng... của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện trung ương Huế...
Đây cũng là lần hội chẩn quốc gia đầu tiên sau một thời gian dài (khoảng hơn 4 tháng) các bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam diễn biến ổn định, không có bất thường hay chuyển biến nặng.
Một trong hai ca là bệnh nhân 1.465 (nữ, 61 tuổi, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), từ Mỹ về Việt Nam ngày 21-12-2020 và được cách ly tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Ngày 26-12-2020, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 vào ngày 31-12-2020. Hiện, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc an thần, thở máy.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 xin ý kiến về biểu hiện suy giáp, cơ yếu, thường xuyên có cơn rét run, hạ thân nhiệt, "cơn bão cytokine" (thủ phạm gây biến chứng nặng ở người nhiễm Covid-19) xuất hiện; biểu hiện suy tim, tắc mạch phổi; xem xét sử dụng huyết thanh của người khỏi bệnh.
Về trường hợp bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 xem xét lọc máu, xem xét đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được theo dõi các thông số dịch, tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch, theo dõi các chỉ số về tim mạch, nội tiết. Đặc biệt, Hội đồng chuyên môn cũng điều phối thuốc hiếm "remdesivir" từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 để kịp thời điều trị bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai được hội chẩn là bệnh nhân 1.405 (nam, 74 tuổi, từ Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam), điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam. Bệnh nhân này có tiền sử mắc một loạt bệnh mãn tính: Viêm gan B mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2.
Bệnh nhân nhập viện vào ngày 7-12-2020 vì nôn ra máu. Bệnh nhân cũng bị viêm phổi nặng; nhiễm amip đường ruột; biểu hiện xuất huyết tiêu hóa; tăng huyết áp, suy tim, viêm gan B mạn; suy gan trên nền xơ gan tiến triển... Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nhưng bụng chướng nhẹ, tràn dịch màng phổi 2 bên; được Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam điều trị tích cực, có những tiến triển tốt hơn nhưng tiên lượng còn nặng.
Hội đồng chuyên môn đề nghị, các bệnh viện cần tăng cường nhân lực, theo dõi sát diễn biến tình hình sức khỏe của hai bệnh nhân nêu trên, đồng thời báo cáo ngay cho Hội đồng chuyên môn nếu có diễn biến bất thường.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.