Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ: Có trách nhiệm gia đình

Hạnh Thành| 15/09/2018 06:20

(HNM) - Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản gửi các nhà trường yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh tuân thủ quy định an toàn giao thông, song cứ vào dịp đầu năm học mới, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn có chiều hướng gia tăng.

Cần quản lý, giám sát và nghiêm khắc xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thái Hiền


Nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm

Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh không ngừng gia tăng. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trong 3 năm gần đây, số vụ tai nạn liên quan đến học sinh THPT chiếm tới 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới học sinh nói chung. Theo Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông số 6, nếu như phần lớn học sinh ở độ tuổi dưới 16 sử dụng xe đạp, đi bộ hoặc xe đạp điện tới trường, thì phần lớn học sinh THPT (16 tuổi trở lên) sử dụng xe máy có dung tích xilanh dưới 50 phân khối làm phương tiện di chuyển. Tốc độ phương tiện cao hơn dễ dẫn đến hành vi vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông - nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông ở lứa tuổi này.

Qua thực tế kiểm tra, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 thông tin thêm: Nhiều học sinh tham gia giao thông không chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, điều khiển phương tiện trên 50 phân khối... “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do các em chưa có nhận thức đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ và nhà trường cũng khó quản lý, kiểm soát được hành vi của các em ở ngoài giờ học. Phần còn lại do các em “học” từ cha mẹ, anh chị, những người chưa thực sự làm gương cho con em trong việc chấp hành pháp luật” - Trung tá Nguyễn Đức Thắng nhận xét.

Trong khi đó, việc xử lý học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông lại không đơn giản, hầu hết các trường hợp sai phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về trường thì nặng nhất cũng chỉ bị phê bình trước lớp. Hơn nữa, học sinh có hành vi sai phạm khi bị lực lượng chức năng phát hiện thường tìm cách trốn tránh, dễ gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông không đạt hiệu quả.

Tăng thực hành, tăng nghiêm minh

Nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông, các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc tổ chức ký cam kết với phụ huynh trong việc nhắc nhở con chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông, không giao xe máy cho con khi chưa có giấy phép lái xe là yêu cầu bắt buộc. Ngay từ tuần đầu của năm học 2018-2019, các trường đều tập trung phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa. Điểm khác biệt so với các năm trước là việc tuyên truyền, giáo dục về chủ đề này đã được điều chỉnh để học sinh dễ nhớ, dễ ứng dụng hơn. Em Lê Hoàng Minh, học sinh Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết: “Thay vì phải nghe rất nhiều số liệu, quy định, chúng em được xem những đoạn phim ngắn phản ánh tình trạng và hậu quả của việc vi phạm các quy định về an toàn giao thông; được hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn; được thực hành xử lý các tình huống tham gia giao thông... Cách thức này không chỉ dễ nhớ, mà còn giúp chúng em tự ý thức được việc cần tuân thủ các quy định về an toàn giao thông hơn”.

Từ đầu năm học đến nay, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng như nhiều địa phương khác đã tổ chức những buổi giáo dục về an toàn giao thông tại các trường học trên địa bàn. Đại úy Nguyễn Thùy Dung, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, buổi tuyên truyền tại các trường học là sinh hoạt thực tế sôi nổi thông qua các trò chơi. Nội dung của buổi tuyên truyền tập trung hướng dẫn học sinh kỹ năng đi xe an toàn, đội mũ bảo hiểm đúng cách... Điều này khiến học sinh cảm thấy thú vị, dễ tiếp thu và dễ ứng dụng vào thực tế.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Để giải quyết căn bản tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói riêng, ngày 27-2-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an TP Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp số 505/QCPH-CATP-SGD&ĐT về việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các cơ sở giáo dục. Quy chế này quy định rõ những nội dung, biện pháp và trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong nhà trường, trong đó có việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của học sinh.

Để tăng tính nghiêm minh, khiến học sinh không dám tái phạm, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cần có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục và quản lý, giám sát học sinh. Nhà trường cần sát sao, có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý học sinh sai phạm; phụ huynh ủng hộ, đồng thuận với lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là đối với học sinh để bảo đảm an toàn cho chính các em cũng như những người tham gia giao thông.

Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, giám sát và nghiêm khắc xử lý trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không để tình trạng "giơ cao đánh khẽ", hoặc "nơi làm, nơi không".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ: Có trách nhiệm gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.