Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ: Lỗi tại... phụ huynh!

Bài và ảnh: Triệu Dương| 17/11/2022 05:55

(HNNN) - Trước thực tế có nhiều học sinh, sinh viên tại Hà Nội sử dụng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, phụ huynh học sinh đưa đón con không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chở quá số người quy định, đi ngược chiều..., từ tháng 10-2022, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tập trung xử lý nhóm vi phạm này.

Cả học sinh và phụ huynh cùng vi phạm

Khi bị dừng xe nhắc nhở vì không đội mũ bảo hiểm cho bản thân và con trai khi tham gia giao thông trên đường Xã Đàn, chị Nguyễn Ngọc Diệp (số 28 Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa) cho biết, vì nhà gần trường, ngại khi đến công sở trên xe treo cồng kềnh nhiều mũ bảo hiểm, lại nghĩ thời điểm sáng sớm không có công an nên... vô tình vi phạm. Còn anh Nguyễn Tuấn Hải (76 Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình) lại đưa lý do... không hề biết quy định phải đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi tham gia giao thông, cũng không thấy nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đề cập đến vấn đề này... Khi viện ra những lý do rất “trời ơi” kiểu như vậy sau khi bị cảnh sát giao thông dừng xe nhắc nhở, xử lý, phần lớn các phụ huynh vi phạm đều quên mất một điều: Việc quên đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vừa vi phạm pháp luật vừa tiếp tay cho “tử thần” nếu chẳng may xảy ra va chạm giao thông.

Vào khung giờ đưa đón học sinh, nhiều phụ huynh đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ..., tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy. Thế nhưng, rất ít phụ huynh thực hiện nghiêm quy định này. Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và khám nghiệm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, hiện tượng thanh, thiếu niên, học sinh phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ... vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. “Khi phụ huynh nuông chiều hoặc buông lỏng việc quản lý, giáo dục, học sinh sẽ tiêm nhiễm thói xấu khi tham gia giao thông. Một số trường hợp khi bị nhắc nhở còn thách thức và chống đối...” - Trung tá Vinh cho biết.

Là người trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, Thiếu tá Lã Sơn Tùng, Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cho biết, hằng ngày, ngoài việc xử lý những hành vi vi phạm thì đơn vị cũng ghi tên tuổi người vi phạm sau khi nhắc nhở, nhưng việc làm này còn chưa đạt hiệu quả cao khi chưa có sự tham gia của phía đại diện nhà trường.

Chị Khổng Hồng Nhung (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) thẳng thắn bày tỏ: Dù nhà trường cấm các con đi xe phân khối lớn đến trường khi chưa đủ tuổi, nhưng để đối phó, các con vẫn gửi xe ở gần trường. Việc nuông chiều đưa xe máy cho con sử dụng, đưa đón con bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm cho thấy nhiều phụ huynh chưa nghiêm túc làm gương cho con trẻ.

Không ít phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho bản thân và con em mình.

Phụ huynh phải làm gương cho con em mình

Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025. Chương trình phối hợp xuất phát từ thực tế là thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra... Từ thực tế đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, khẳng định, ngành Công an và Giáo dục sẽ tập trung vào một số nội dung như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ rà soát, sửa đổi và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông trong chương trình chính khóa. Cùng với đó là huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), tình trạng phụ huynh và học sinh sử dụng xe máy vi phạm Luật Giao thông vẫn xảy ra ở Hà Nội và cả nước. Trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi thế, nhà trường phải tăng cường giáo dục học sinh khi các em tới lớp; khi trẻ ra đường thì trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm là của cảnh sát giao thông. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình, bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình có vai trò quyết định tới việc có hay không trao cho con quyền sử dụng phương tiện giao thông. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của con trẻ...

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, việc hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ở học sinh khó có thể đạt được khi chính các bậc phụ huynh nuông chiều, không cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, xây dựng ý thức cho con em mình. Ngay từ đầu năm học, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với phía nhà trường mở các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền cho học sinh về nội dung an toàn giao thông đường bộ, giúp học sinh chấp hành tốt hơn Luật Giao thông, từ đó giảm tỷ lệ vi phạm luật và tai nạn giao thông, nâng cao ý thức văn hóa giao thông.

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, hệ lụy để lại cho xã hội là rất lớn nếu phụ huynh không làm gương cho các con. Do vậy, gia đình, các bậc phụ huynh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu với thế hệ tương lai của đất nước. Nếu cha mẹ, người thân không giáo dục kiến thức về an toàn giao thông cho con thì trẻ dễ nhiễm thói xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm của phụ huynh sẽ giúp tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), khẳng định, việc xử lý các trường hợp học sinh và phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập của học sinh, không tạo tâm lý bất ổn cho trẻ. Việc xử lý vào khung giờ sáng cần linh hoạt, lấy tuyên truyền nhắc nhở là chính để không tạo tâm lý hoang mang cho học sinh và không ảnh hưởng đến quá trình điều tiết giao thông trong giờ cao điểm. Để giảm số vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở đối tượng đặc thù này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo cha mẹ học sinh cần làm gương, thường xuyên nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ mình và người thân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ: Lỗi tại... phụ huynh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.