Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh diễn ra chiều nay (2-11).
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan…
Tình trạng học sinh vi phạm TTATGT diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15-12-2022 đến 14-10-2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết), làm bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương). Trong đó, 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn là: Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, Bến Tre.
Tình trạng học sinh vi phạm TTATGT diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện... Đặc biệt, học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.
"Thống kê cho thấy, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin.
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải rà soát toàn bộ các cổng trường học có nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn thành phố để xử lý, khắc phục. Qua rà soát, có 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ tại 51 vị trí; cải tạo hạ tầng giao thông tại 53 vị trí; huy động lực lượng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm học sinh đến và tan trường tại 48 vị trí. Hiện, các cơ quan, đơn vị liên quan đang tập trung xử lý 8 khu vực cổng trường.
Cùng đó, các lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra tại 110 trường học có ký hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh với 186 đơn vị kinh doanh vận tải. Tổng số phương tiện được kiểm tra là 1.519 xe ô tô, qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp, phạt tiền hơn 182 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh cũng được Hà Nội triển khai sâu rộng. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố phối hợp với các trường học tổ chức 527 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 444.242 học sinh và 26.954 giáo viên; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông cho 306.339 lượt học sinh, giáo viên; tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên không đủ điều kiện điều khiển với 88.848 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao tặng 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh...
Cũng trong 10 tháng qua, các lực lượng chức năng thuộc Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 xe mô tô vi phạm.
Nhờ các giải pháp quyết liệt nói trên, trong 10 tháng của năm 2023, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn đã giảm đáng kể. Toàn thành phố xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người có độ tuổi từ 6 -18 tuổi, làm 19 người chết, 59 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2022 giảm 14 vụ, giảm 10 người chết, giảm 4 người bị thương.
Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát
Đề cập tới phương hướng và giải pháp thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho rằng, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm, đặc biệt là các hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe gắn máy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, đi xe dàn hàng ngang, đua xe trái phép… Đối với các hành vi cố ý vi phạm, tái phạm nhiều lần, phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Từng địa phương, căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm, có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các giải pháp bảo đảm TTATGT nói chung, an toàn giao thông cho học sinh nói riêng đã cơ bản đầy đủ, vấn đề là cách thức tổ chức thực hiện để bảo đảm phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên cả nước đã có nhiều nỗ lực nhằm kéo giảm tai nạn. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn nặng nề, do đó, quyết tâm phải cao hơn, trách nhiệm phải lớn hơn. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Các tổ chức, đoàn thể chính trị cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
“Tuyệt đối không lơ là, chủ quan và phải luôn rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiên cứu đưa nội dung này vào kiểm điểm cuối năm… Ví dụ như trong trường học có thể nghiên cứu đưa việc học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông là một trong các chỉ tiêu để kiểm điểm, đánh giá thi đua đối với hiệu trưởng”, Phó Thủ tướng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.