Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa học sinh vi phạm pháp luật

Chu Dũng| 26/04/2023 06:05

(HNM) - Trước tình trạng học sinh vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn ngừa, xử lý. Trong đó, giải pháp được cơ quan chức năng chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều nội dung thiết thực cho học sinh.

Công an thành phố Hà Nội tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh quận Ba Đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cảnh báo nguy cơ trẻ hóa tội phạm 

Tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp khi nhiều em có những hành vi vượt xa lứa tuổi. 

Gần đây nhất (chiều 2-4) do mâu thuẫn cá nhân, một số học sinh Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn đã đến nhà em G.T.C. (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn, huyện Đông Anh) gây sự, đánh nhau. Hậu quả, em G.T.C. bị chấn thương, phù nề vùng mặt và phải nhập viện điều trị…

Hay ngày 6-4 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng và quyết định tạm giữ hình sự 8 đối tượng dùng chai thủy tinh tấn công người đi đường trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm. Các trường hợp này từ 15 đến 17 tuổi, cùng trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Thượng tá Nguyễn Minh Khang, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận xảy ra 5 vụ việc liên quan đến học sinh vi phạm pháp luật, tính từ đầu năm học 2022-2023 đến nay. Vụ “nóng” nhất liên quan đến gần 20 học sinh gây rối trật tự công cộng thuộc 9 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông… Tất cả đều trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16.

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, qua các vụ việc trên cho thấy rõ nguy cơ trẻ hóa tội phạm. Các em do thiếu sự quan tâm đồng bộ của nhà trường, gia đình và bản thân chưa nỗ lực rèn luyện, sa đà vào nhóm hội trên mạng xã hội, tiếp nhận những thông tin không lành mạnh, mang tính bạo lực, từ đó rủ nhau vô tình phạm tội. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng trường học an toàn 

Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với hiện tượng “tội phạm đường phố” tập trung ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Các đội nghiệp vụ và công an xã, thị trấn đã rà soát, lập danh sách đối tượng là công dân của địa phương có biểu hiện tụ tập, chơi bời về khuya. Từ đó, phối hợp với ngành, đoàn thể và trường học để quản lý, giáo dục. Công tác nắm tình hình trên không gian mạng cũng được đẩy mạnh. 

Ngoài huyện Thường Tín, công an các quận, huyện, thị xã cũng tăng cường tuyên truyền và đấu tranh tội phạm từ trong “trứng nước”. Việc làm này đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sau khi tham gia vụ gây rối trật tự công cộng ngày 12-2 vừa qua ở quận Hà Đông và được giáo dục, em N.T.P., học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp cho biết: “Dù chưa gây ra hậu quả, nhưng hành vi của em đã được các chú công an chỉ rõ là vi phạm pháp luật, gây hệ lụy rất xấu, nguy hiểm đối với xã hội. May mắn là em được các chú công an cảnh tỉnh kịp thời”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Công an quận đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với xây dựng mô hình chuyên đề “Hành trình mái trường an toàn”, thu hút 150.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Thời gian tới, Công an quận sẽ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh; tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử về những loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để nhà trường, gia đình, học sinh biết và có biện pháp phòng ngừa. 

Trong khi đó, Công an huyện Thanh Oai cho biết, trong quý I-2023, 100% nhà trường thuộc khối học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn được lực lượng công an tuyên truyền nắm bắt những kỹ năng cơ bản phòng chống tội phạm theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, thông qua các vụ việc học sinh, trẻ vị thành niên tụ tập mang hung khí định dàn trận đánh nhau… cho thấy, đối với hiện tượng tội phạm này, việc phát hiện và ngăn chặn sớm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì nếu để xảy ra, hậu quả sẽ khôn lường.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến khẳng định, sau một thời gian tổ chức Đoàn phối hợp với các ngành tuyên truyền, tình hình an ninh trật tự tại các trường học trên địa bàn thành phố được giữ vững ổn định, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Các nhà trường đã phối hợp triển khai nghiêm túc chủ trương, quy định về công tác ngăn ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật của học sinh đã có chuyển biến rõ rệt, không còn tình trạng đua xe trái phép, nhận thức được tác hại và sự nguy hiểm khi sử dụng thuốc lá điện tử cũng như các chất ma túy.

Cũng thông qua việc đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong nhà trường đã giúp cán bộ, giáo viên và học sinh có những kiến thức cơ bản, thái độ đúng mực, trách nhiệm và có những hoạt động bảo vệ an ninh trật tự trường học; phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy…, góp phần xây dựng trường học an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa học sinh vi phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.