(HNMO) - Sáng 11-8, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc.
Gồm 5 chương, 37 điều, dự thảo Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu đều đồng tình sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc, song, nhiều ý kiến cho rằng, ban soạn thảo nên bổ sung một số nội dung, như: Vấn đề hành nghề của người nước ngoài tại Việt Nam; các quy định về đạo đức nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của người hoạt động kiến trúc, đặc biệt là vai trò của Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Cùng đó, một số đại biểu cho rằng cần lấy ý kiến rộng rãi các kiến trúc sư đóng góp vào dự thảo luật…
Tán thành việc ban hành Luật Kiến trúc, song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong tờ trình, Chính phủ chưa chỉ ra được yếu kém trong hoạt động kiến trúc và công tác quản lý kiến trúc hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện chưa có Luật Kiến trúc nhưng các quy định về kiến trúc nằm rải rác ở các luật khác, do đó, báo cáo đánh giá tác động chính sách cần chú ý tới sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng tình với các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Điều 4 của dự thảo luật về các nguyên tắc quá sơ sài khi có 5 nguyên tắc nhưng nội dung đơn giản, chưa bao quát được yêu cầu nền tảng của kiến trúc, như: Tính nghệ thuật, tính khoa học, tính thời đại, tính truyền thống, cũng như sự hài hòa về văn hóa, tín ngưỡng...
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải rà soát, làm rõ hơn nội dung về quản lý kiến trúc, như yêu cầu chung về quản lý kiến trúc, kiến trúc đô thị, kiến trúc khu phố cổ, kiến trúc nông thôn... bởi còn chung chung, chưa chặt chẽ. Đặc biệt, ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về kiến trúc khu phố cổ và nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị đánh giá lại thiết chế kiến trúc sư trưởng tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, để xây dựng được thiết chế tư vấn hoặc quản lý kiến trúc một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn khẳng định, Luật Kiến trúc được ban hành đem lại niềm tin về kiến trúc Việt Nam sẽ phát triển, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, mở ra một môi trường tốt hơn và luật hoá cụ thể, chặt chẽ quyền được hành nghề, quyền được bảo hộ, quyền được bảo vệ tác phẩm và hưởng thụ công sức... của các kiến trúc sư.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra, dự án luật sẽ được giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra, đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới.
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục vào ngày thứ hai, 13-8, với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.