Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoa Kỳ cần đánh giá đầy đủ hơn về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam

Nguyễn Thúc| 21/07/2022 17:50

(HNMO) - Chiều 21-7, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại họp báo chiều 21-7-2022.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo tình hình buôn người năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhắc lại thông tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ trước đó cùng ngày, trong đó nhấn mạnh báo cáo của Mỹ có các thông tin "không xác thực, không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình cũng như nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam". 

Cùng với đó, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ: “Triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành, địa phương; ban hành nhiều văn bản thi hành luật hướng dẫn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản, chính sách pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 

Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Việt Nam cũng đang tích cực nỗ lực thực hiện kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn hoạt động mua bán người trong di cư quốc tế.

Trong ngày 18-7 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trên tinh thần, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với các nước - trong đó có Hoa Kỳ - cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người”.

Liên quan tới công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Sri Lanka, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh tình hình Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, cơ quan đại diện Việt Nam tại Sri Lanka đã yêu cầu giới chức địa phương bảo đảm an toàn cho công dân Việt tại quốc gia này, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp khó khăn. Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka cũng đã thông báo đường dây nóng để người Việt liên hệ trong trường hợp cần giúp đỡ.

Theo thông tin của Đại sứ quán, trước đây, tại Sri Lanka có khoảng 300 người Việt Nam, nhưng hiện nay nhiều người đã về nước. Đời sống của công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiếu ga, thiếu điện, thiếu xăng và chi phí tăng cao. 

Bình luận về việc Cục An toàn hàng hải Hải Nam (Trung Quốc) thông báo cấm tàu bè phục vụ tập trận đối với khu vực chồng lên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

Cập nhật thông tin về hai công dân Việt Nam bị bắt tại Tây Ban Nha, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tiếp tục theo dõi sát vụ việc, giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa Kỳ cần đánh giá đầy đủ hơn về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.