Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả vùng rau gia vị ở Tân Minh

Ngọc Quỳnh 19/12/2023 - 07:25

Từ cánh đồng lúa kém hiệu quả, người dân xã Tân Minh (huyện Thường Tín) đã biến vùng đất trũng thành vựa rau an toàn, chủ yếu là các loại rau gia vị. Nhờ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, nông dân chuyển sang trồng rau theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm rau bảo đảm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

rau-1.jpg
Chăm sóc rau an toàn tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Ảnh: Hoài Dương

Tân Minh nổi tiếng về sản xuất rau an toàn ở cả 5 thôn với 218ha của 1.685 hộ gia đình. Đặc biệt, khi về làng rau Tân Minh không có tình trạng người dân phun thuốc trên các thửa ruộng; trên cánh đồng, không có bất cứ vỏ thuốc trừ sâu nào. Bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh cho biết, người trồng rau chỉ sử dụng các loại phân bón sinh học và tưới bằng nguồn nước sạch. “Nhà tôi có 3 sào rau gia vị, mỗi ngày tôi dành ra 3-4 giờ ở ngoài đồng nhổ cỏ, bắt sâu, thu hái. Vì vậy, bất cứ ai đã ăn rau gia vị ở xã Tân Minh đều cảm nhận được hương vị khác biệt, tuy nhỏ mà đậm vị. Đặt cọng rau vào miệng, nơi đầu lưỡi cảm nhận được vị the đặc trưng của các loại rau nhiều tinh dầu, ngọt hậu và rất thơm”, bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tịnh ở thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên vựa rau ăn lá được dịp phát triển, năng suất cao hơn các vụ rau khác. Thời điểm này, giá rau cũng khá ổn định, vài tháng nữa là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá rau sẽ còn cao hơn. Với hơn 2 sào tía tô, húng... trung bình mỗi năm, gia đình bà thu hoạch khoảng 70 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Minh Phạm Văn Phúc cho biết, để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã thường xuyên tập huấn, nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho nông dân; người dân chủ yếu phun các loại thuốc sinh học, xuất xứ rõ ràng. Hợp tác xã còn yêu cầu các thành viên phải ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng, cách chăm sóc và thu hoạch để rau bán ra thị trường bảo đảm chất lượng. Rau được trồng ở đây chủ yếu là giống gốc của địa phương, ngoài ra một vài giống rau có gen tốt, năng suất cao từ các nơi khác cũng được nông dân đem về trồng.

Để kiểm soát quy trình sản xuất rau, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hợp tác xã còn thành lập các tổ giám sát cộng đồng, mỗi tổ có khoảng 35 người chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất rau của thành viên. Rau Tân Minh thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Sản phẩm rau ăn lá của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều siêu thị, nhà hàng. Trung bình mỗi năm, xã Tân Minh cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau lagim các loại.

Bà Mai Thị Minh, Tổ trưởng tổ 5 - mô hình chuỗi rau áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của nhiều thành phần ở xã Tân Minh cho biết, với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác rau gia vị, chi phí sản xuất giảm nhưng năng suất, chất lượng rau tăng cao, thu nhập của nông dân trong xã tăng gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, khi thành lập các tổ của hệ thống bảo đảm có sự tham gia nhiều thành phần giúp nông dân giám sát chéo, nâng cao ý thức trong sản xuất rau an toàn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, hiện nay, Tân Minh trở thành vùng trồng rau trọng điểm của Thường Tín. Việc sản xuất rau tại Tân Minh luôn được giám sát chặt chẽ về kỹ thuật nhằm cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Huyện cũng hỗ trợ người trồng rau trong xây dựng thương hiệu, đầu tư hệ thống giếng khoan tự động, tập huấn kiến thức trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ về xúc tiến thương mại để hợp tác xã ký hợp đồng trực tiếp với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nâng cao giá bán...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả vùng rau gia vị ở Tân Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.