Tối 8-10, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp UBND huyện Thường Tín và xã Duyên Thái tổ chức Chương trình giới thiệu tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái".
Theo các nghệ nhân, nghề sơn mài Hạ Thái được xác định có từ thế kỷ XVII. Lúc đó, làng mới chỉ có nghề sơn đồ nét, được trọng dụng vì nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho vua quan lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua".
Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó.
Năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng, củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội.
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, người dân Hạ Thái đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Hiện, nghề sơn mài Hạ Thái là nguồn thu nhập chính, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Xuất phát từ định hướng phát triển du lịch của Thủ đô, của huyện và nhu cầu của đa dạng khách du lịch trong và ngoài nước, tại điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái hiện có rất nhiều worshop trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Việc thành lập, ra mắt các trung tâm worshop là nhu cầu tất yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Cùng với làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái còn có làng Phúc Am chuyên làm đồ mã. Sản phẩm đồ mã của làng nghề phục vụ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đây cũng là điểm thu hút du khách tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, cho biết: Hiện nay, Sở đang xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024 và tiếp tục mở rộng ở các huyện khác.
Chương trình giới thiệu tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" đang hứa hẹn mở ra tuyến du lịch làng nghề đặc sắc, mang những nét đặc trưng riêng có; được quảng bá, giới thiệu rộng tới du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa, cho biết: Thông qua chương trình này, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác của các công ty, doanh nghiệp lữ hành với các công ty, doanh nghiệp của làng nghề sơn mài Hạ Thái, cùng nhau thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia tư vấn về du lịch, đại diện các công ty, doanh nghiệp lữ hành, du khách cùng tham quan, trải nghiệm nghề làm đồ mã của làng Phúc Am; tìm hiểu nghệ thuật sơn mài Hạ Thái, trải nghiệm một số công đoạn sơn mài; tham quan không gian trưng bày sản phẩm đa dạng của sơn mài Hạ Thái; thưởng thức ẩm thực địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.