Nông nghiệp

Thường Tín phát triển chuỗi nông sản an toàn

Đỗ Minh 30/10/2024 - 06:30

Huyện Thường Tín có thế mạnh về phát triển các chuỗi nông sản an toàn và trở thành điểm sáng của Hà Nội. Các chuỗi nông sản của Thường Tín không chỉ đáp ứng về kinh tế, mà còn bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống xanh, sạch.

dong-goi-rau-an-toan-tai-hop-tac-xa-san-xuat-va-dich-vu-nong-nghiep-thanh-ha-huyen-thuong-tin-.-anh-do-tam.jpg
Đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Thời điểm hiện tại, các vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Thường Tín đang tập trung sản xuất để cung ứng cho thị trường cuối năm.

Đến thăm mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên) mới thấy rõ sự đổi thay tại vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Thường Tín này. Thôn Nghiêm Xá có hàng chục hộ nuôi trồng thủy sản, hình thành một vùng nuôi trồng thủy sản khép kín của huyện Thường Tín. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, gia đình ông có 5ha nuôi cá các loại, cá giống được công ty cung ứng, từ thức ăn đến hệ thống nước, sục… đều đạt chất lượng VietGAP.

“Với chuỗi nuôi cá khép kín, sản phẩm được thu mua tận gốc, quy trình sản xuất được giám sát, hằng năm gia đình tôi thu được gần 1 tỷ đồng từ 5ha nuôi cá này”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài thủy sản, Thường Tín còn có các chuỗi sản xuất rau an toàn hiệu quả kinh tế cao của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở). Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho hay, với mục tiêu phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vững bước trên thị trường tiêu thụ.

Hiện tại, hợp tác xã có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng cùng hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ... Rau được thu hoạch, sơ chế tại chỗ, bảo đảm chất lượng.

Đánh giá về các mô hình sản xuất theo chuỗi của huyện Thường Tín, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các mô hình sản xuất theo chuỗi của huyện Thường Tín bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích đất bỏ hoang, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đô thị.

Theo UBND huyện Thường Tín, đến nay, huyện đã xây dựng và phát triển được 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 5 chuỗi liên kết giết mổ tại các xã: Ninh Sở, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất... Các chuỗi sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu về nông sản cho người dân trong huyện, mà còn cung ứng nguồn lớn cho các địa phương, tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, Thường Tín đã xây dựng được 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch của 17 tổ chức, cá nhân.

Mặc dù đã đạt kết quả khá tích cực, song các chuỗi cung nông sản của huyện vẫn còn lỏng lẻo và rời rạc, khiến việc tiêu thụ còn khó khăn và thu nhập của nông dân chưa ổn định.

Chuỗi nông sản vẫn có sự tham gia của quá nhiều bên trung gian, đa số là các thương lái. Để phát triển chuỗi giá trị bền vững, huyện Thường Tín cần chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và uy tín cho nông sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, huyện Thường Tín cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất, như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, huyện đang rà soát các mô hình, vùng sản xuất để đầu tư và khuyến khích chuyển sang sản xuất theo chuỗi; đồng thời có những chính sách hỗ trợ từ quỹ đất, vốn đến xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển các mô hình theo chuỗi từ các hợp tác xã hiện hữu; tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, ứng dụng khoa học cho các hợp tác xã, nhất là bổ sung kiến thức về chuỗi giá trị nông sản, liên kết trong chuỗi giá trị và vai trò của hợp tác xã trong thời gian tới.

Đặc biệt, Thường Tín sẽ đẩy mạnh kinh doanh, quảng bá điện tử, hướng tới sự minh bạch trong sản phẩm cũng như tiến tới thị trường hàng hóa hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín phát triển chuỗi nông sản an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.