Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân khôi phục, đưa những giống sen mới vào sản xuất, như: Sen bách diệp, sen quan âm, sen cung đình trắng…
Các mô hình trồng sen giống mới không chỉ giúp nông dân thu hoạch được hoa, lá sen, ướp chè sen, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đưa nhiều giống sen mới vào sản xuất
Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề sen Mê Linh (huyện Mê Linh) Lã Quang Khanh thông tin, hợp tác xã có 50ha trồng hoa sen, thu hút 500 hộ dân tham gia. Vào mùa thu hoạch (từ tháng 5 đến tháng 9), mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 8.000 đến 10.000 bông hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân, hợp tác xã còn liên kết với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số hộ trồng chè ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen. Nhờ đó, mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 2-3 tấn sản phẩm, cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha, cao gấp 3-5 lần canh tác lúa truyền thống.
Nhằm khôi phục, gìn giữ giống sen nổi tiếng hồ Tây - sen bách diệp gắn với phát triển du lịch; Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ triển khai đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen Tây Hồ, trước mắt là tại một số hồ nhỏ trên địa bàn quận. Bà Bùi Thị Bảo Anh, một trong hai hộ tham gia đề án chia sẻ, sau khi nhận được cây giống sen bách diệp, gia đình bà đã trồng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông tại hồ Đầu Đồng. Hiện tại, cây sen sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một mùa sen bội thu.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình trình diễn hoa sen giống mới, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Sở NN&PTNT đã triển khai tại 4 điểm: 2 điểm tại phường Quảng An (quận Tây Hồ), 1 điểm tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), 1 điểm tại thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất), với quy mô 17ha, 5 hộ tham gia. Tại quận Tây Hồ, trong tháng 4 và tháng 5-2024, Sở đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống sen bách diệp và cung cấp vật tư để 2 hộ dân tham gia đề án trồng sen tại hồ Đầu Đồng và hồ Thủy Sứ; mỗi hồ 3.500 cây giống. Đối với 2 điểm mô hình tại huyện Mỹ Đức và huyện Thạch Thất, cán bộ kỹ thuật của Sở đã hướng dẫn các hộ làm đất, vệ sinh và khử khuẩn diện tích trồng sen.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng sen, nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội; đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập và làm đẹp thêm cảnh quan ở mỗi làng quê”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Xây dựng thương hiệu kết hợp với du lịch
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh thông tin, để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả trung ương, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã trực tiếp tập huấn và có cán bộ kỹ thuật thường xuyên hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch và bảo quản các sản phẩm từ sen.
Tuy vậy, theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc nhân rộng các mô hình trồng sen vẫn còn gặp không ít khó khăn do các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công, cơ sở hạ tầng ở một số vùng trồng sen chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều mô hình phát triển du lịch từ trồng sen đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng chưa được đầu tư, làm mới…
Để nhân rộng các mô hình trồng sen, xây dựng thương hiệu sen cho từng vùng, ông Nguyễn Văn Hòa, hộ trồng sen ở xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) đề xuất, các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật; liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm từ sen; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương sẽ xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, như: Ngắm cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, mua sắm sản vật từ sen. Đồng thời, nông dân, hợp tác xã được hỗ trợ tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm sen, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen...
“Các doanh nghiệp, địa phương cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sạch, gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh bán hàng hiện đại; khuyến khích người dân chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc xen canh lúa, sen, thủy sản theo từng khu vực, bảo đảm có nguồn nguyên liệu sen quanh năm phục vụ nhu cầu sản xuất”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.