Với hệ thống di tích, lễ hội truyền thống và những địa danh gắn với huyền tích kỳ thú, Tây Hồ là vùng đất tươi đẹp của Thăng Long - Hà Nội, ẩn chứa những trầm tích văn hóa độc đáo.
Để phát huy những tiềm năng, giá trị riêng có của vùng đất “địa linh”, quận Tây Hồ đã xây dựng một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, với những hướng đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu hình thành một trung tâm văn hóa mới của Thủ đô.
Đánh thức trầm tích văn hóa Tây Hồ
Nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, vùng đất Tây Hồ được thiên nhiên ưu đãi với không gian thoáng đãng rộng lớn, bốn mùa xanh ngát. So với các quận nội đô lịch sử, Tây Hồ có diện tích nhỏ, địa bàn quản lý chỉ bao gồm 8 phường, song số lượng 71 di tích được phân bổ rộng khắp trên địa bàn với kiến trúc cổ kính độc đáo được bảo tồn nguyên vẹn, gắn liền với những huyền tích lịch sử đã tạo nên một sức hút lớn cho bất kỳ ai từng đặt chân tới vùng đất này.
Một trong những di tích độc đáo bậc nhất của Tây Hồ chính là đền Đồng Cổ - ngôi đền cổ nhất ở Hà Nội, được dựng từ khi nhà Lý khởi lập kinh đô Thăng Long. Tại ngôi đền linh thiêng, vua Lý Thái Tông đã khởi xướng tổ chức Hội thề Trung hiếu. Trong ngày hội, bách quan văn võ đến trước đàn thề, quỳ trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Với những giá trị văn hóa độc đáo, năm 2023, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với hệ thống di tích, Tây Hồ cũng đang gìn giữ, bảo tồn 15 lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống nơi đây được tổ chức dựa trên nguyên tắc bảo tồn nghi thức truyền thống vốn có của từng lễ hội, đồng thời duy trì và phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể thao dân gian lành mạnh; kết hợp hài hòa giữa phần "Lễ" và phần "Hội". Trong đó, phải kể đến lễ hội đền Đồng Cổ, lễ hội phủ Tây Hồ, đình Nhật Tân, đình Yên Phụ. Đặc biệt, Tây Hồ còn có lễ hội xôi Phú Thượng tại đình Phú Gia nhằm quảng bá những nét độc đáo của nghề làm xôi làng Gạ. Mới đây, nghề làm xôi truyền thống Phú Thượng đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhận xét về những tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa tại vùng đất Tây Hồ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Tây Hồ là quận có điều kiện đặc biệt về tự nhiên và con người với 71 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể, 5 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng đã xây dựng thành công thương hiệu như hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.
Để phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Tây Hồ tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa; phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nhằm đẩy mạnh quảng bá về những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Tây Hồ.
Phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế
Xác định rõ những lợi thế có được từ vị trí địa lý và bề dày lịch sử cùng nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, ngay từ khi thành lập quận, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định: "Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô".
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngày 10-4-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Tuy nhiên, theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quận Tây Hồ cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục, như nhận thức về ngành công nghiệp văn hóa còn chưa đầy đủ và toàn diện; tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của quận...
Hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quận, Tây Hồ xác định: Phát triển công nghiệp văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Từ ngày 12 đến 16-7-2024, quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị liên quan lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội).
Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024, lễ hội hướng tới mục tiêu quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của sen - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồ̀n Việt. Lễ hội góp phần giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” cũng như những nét đặc trưng của văn hóa sen trong đời sống người Việt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cũng cho biết, cùng với Lễ hội Sen Hà Nội 2024, quận Tây Hồ sẽ nỗ lực kiến tạo các công trình, lĩnh vực văn hóa mới, hấp dẫn, có giá trị tốt đẹp để vừa thu hút du khách, vừa góp phần lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.