Công nghiệp văn hóa

Phát huy tiềm năng, giá trị của hồ Tây: Kết nối “trục sáng tạo” Tây Hồ

Bảo Khánh 13/07/2024 13:23

Tây Hồ là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa cùng các làng nghề truyền thống độc đáo gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long xưa.

Để khai thác và phát huy tối đa nguồn lực văn hóa đa dạng này, quận đã và đang triển khai Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

z5618265528529_ca5ec2342c4fdadb3cc50c4ba8de3643.jpg
Nghề làm trà sen Quảng An, một trong những nghề truyền thống độc đáo của quận Tây Hồ. Ảnh: Nam Nguyễn

Khôi phục làng nghề truyền thống - động lực sáng tạo

Nhờ sở hữu những lợi thế nổi bật về tự nhiên và bề dày văn hóa - lịch sử, quận Tây Hồ mang trong mình một vẻ đẹp quyến rũ và sức hút kỳ lạ với du khách. Nơi đây có hồ Tây - một trong những thắng cảnh hàng đầu của Hà Nội. Bao quanh hồ Tây là một vùng văn hóa đậm đặc với 71 di tích lịch sử (trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng). Bên cạnh đó là các điểm đến du lịch hấp dẫn như đầm sen hồ Tây, Công viên nước hồ Tây, Khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ, bãi đá sông Hồng...

Một trong những dấu ấn đặc trưng của Tây Hồ là những làng nghề nông nghiệp trong phố như Làng giấy dó, lĩnh Bưởi; trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng, đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ... Dù còn hay mất nhưng những làng nghề này cũng góp phần phản ánh tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Vùng Bưởi xưa có hai nghề nổi tiếng là dệt lĩnh ở làng Bái Ân, Trích Sài và làm giấy dó tại làng Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái. Qua thời gian, những nghề này đã bị mai một. Từ năm 2023, UBND phường Bưởi đã xây dựng Đề án Tổ chức vận hành, khai thác điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa. Đến tháng 5-2024, địa điểm này chính thức đi vào hoạt động.

Chia sẻ về đề án, Quyền Chủ tịch UBND phường Bưởi Nguyễn Minh Hoài cho biết: Đến đây, du khách được nghe giới thiệu về quá trình phát triển của nghề sản xuất giấy dó vùng Bưởi xưa; xem phim tư liệu, hiện vật, tranh ảnh, tham quan mô hình tái hiện các công đoạn làm giấy dó và trực tiếp trải nghiệm công đoạn “seo” giấy. Cuối cùng là thưởng thức trà sen hồ Tây và các chương trình nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, tuồng, hát xẩm...

Nhắc đến Tây Hồ, không thể không nhắc đến các đầm sen Bách Diệp quý hiếm và nghề làm trà sen Quảng An. Do quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng sen và số lượng đầm sen nay đã giảm nhiều. Nhận thức được giá trị của sen đối với việc phát triển kinh tế và giá trị văn hóa phi vật thể của nghề làm trà sen Quảng An, quận Tây Hồ đã phối hợp với các sở, ngành để khôi phục, bảo tồn giống sen Bách Diệp và mở rộng diện tích trồng sen.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Giống sen Bách Diệp phát triển ở vùng đất Tây Hồ từ thế kỷ XI trên một diện tích lớn. Sen hồ Tây là loài sen có chất lượng tốt nhất so với các vùng khác, nhưng vì nhiều lý do nên ngày càng bị thu hẹp. Việc khôi phục các đầm sen và nghề ướp trà sen Tây Hồ xuất phát từ lợi ích kinh tế và nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống”.

Sau một thời gian thí điểm, bước đầu sen Bách Diệp phát triển khá tốt. Hiện nay, trên địa bàn quận có 9 hồ sen với diện tích 10ha. Dự kiến, quận sẽ mở rộng diện tích trồng sen, phủ kín 18 đầm, hồ nhỏ quanh hồ Tây với diện tích 30ha nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất và phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An”.

Quận Tây Hồ cũng đang phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề làm trà sen Quảng An vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nền tảng để bảo tồn và phát triển tri thức làm trà sen truyền thống lâu đời của người dân Quảng An.

Theo nghệ nhân Ngô Thị Thân (đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An), đây là việc làm cần thiết để nghề làm trà sen Quảng An được quan tâm và phát triển hơn nữa, qua đó nâng cao vị thế, giá trị kinh tế cũng như văn hóa của loại trà được mệnh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà” này.

z5618265553445_fc56c52afc12d3b986c67bf16a6674ee.jpg
Nghề làm trà sen Quảng An, một trong những nghề truyền thống độc đáo của quận Tây Hồ. Ảnh: Nam Nguyễn

Phát triển “trục sáng tạo”

Bên cạnh hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú, Tây Hồ còn là một điểm đến văn hóa - sáng tạo - hữu nghị. Với mục đích xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản..., từ đó phát triển công nghiệp văn hóa, từ cuối năm 2023, quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ trở thành điểm đến văn hóa - sáng tạo - hữu nghị tiêu biểu.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, quận đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạp kỹ phong phú nhằm thu hút đông đảo du khách (trung bình đón hơn 1.000 lượt khách/ ngày). Đáng chú ý là các chương trình như Giải chạy Tay Ho Half Marathon, Kids run the earth năm 2024 thu hút 10.000 vận động viên tham gia...

Ngoài ra, quận cũng liên kết với các đơn vị lữ hành phối hợp tổ chức các tour tham quan kết nối các điểm đến trong Khu du lịch Nhật Tân, gồm Nhà hàng Sen, Công viên nước Hồ Tây, Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách, bãi đá sông Hồng... và triển khai các tour kết nối điểm đến văn hóa trên địa bàn quận.

Năm 2022, Tây Hồ đã ban hành Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận trở thành Trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô. Các lĩnh vực mà quận tập trung đầu tư là: Du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và ẩm thực, không gian sáng tạo, nghệ thuật biển diễn là những lợi thế của Tây Hồ, phù hợp với định hướng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Nhấn mạnh đến việc phát triển sản phẩm và thị trường công nghiệp văn hóa để khẳng định tiềm năng, lợi thế sẵn có, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận sẽ xây dựng và phát triển các không gian sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân sáng tạo văn hóa, đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của quận. Song song với đó, quận đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án: “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực Tây Hồ” giai đoạn 2, “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; các đề án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, xôi Phú Thượng gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, văn hóa...

Để khai thác hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, Tây Hồ cũng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác như Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Tăng cường đầu tư các nguồn lực; Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng giao lưu, hợp tác về phát triển công nghiệp văn hóa...

Với các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, các điểm đến, không gian văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được kết nối thành “trục sáng tạo” xoay quanh hồ Tây, từ đó tạo “lực đẩy” để quận Tây Hồ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế Trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

qc-danh-cho-le-hoi-sen.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng, giá trị của hồ Tây: Kết nối “trục sáng tạo” Tây Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.