Lễ hội Sen Hà Nội giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 khép lại sau 5 ngày tổ chức (từ 12 đến 16-7) đã thu hút hơn 50.000 lượt khách, mở ra nhiều triển vọng cho việc xây dựng thương hiệu văn hóa, du lịch đặc trưng của Thủ đô.
Thành công và tinh tế
Trong lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội Sen Hà Nội giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 diễn ra tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã giới thiệu rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại cho người dân và du khách.
Bên cạnh lễ khai mạc tổ chức ấn tượng với điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Chuyện của sen”, lễ hội có nhiều hoạt động lần đầu tiên tổ chức, như: Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo lấy cảm hứng từ hoa sen; cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và sen”; ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với số lượng người tham gia kỷ lục 7.000 người đạp xe quanh hồ Tây...
Dọc phố đi bộ Trịnh Công Sơn, rất nhiều chậu sen cảnh với nhiều chủng loại khác nhau khoe sắc, không chỉ khẳng định thương hiệu sen Hà Nội mà còn cho thấy bàn tay tinh tế của những nghệ nhân trồng sen Hà Thành. Với tinh thần chung sức để quảng bá và tổ chức lễ hội, chị Huệ (chủ đầm sen Huệ Doanh) đon đả đón khách: “Khách vào đầm chụp ảnh được miễn phí, chỉ phải trả tiền khi thưởng thức trà. Trong những ngày tổ chức lễ hội, chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách là gia đình, bạn bè”, chị Huệ cho biết.
Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc cung cấp hàng trăm mặt hàng, sản phẩm được làm từ sen trở thành điểm thu hút trong những ngày diễn ra lễ hội. Nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm trà ướp sen, nghệ thuật pha, thưởng trà sen độc đáo của người Hà Nội có sức hút lớn, như: Gian giới thiệu tinh hoa trà Việt của nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, gian hàng giới thiệu sản phẩm và thưởng thức trà sen của nghệ nhân Lưu Thị Hiền...
Trong lễ hội, nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn thường xuyên mặc áo dài truyền thống, tỉ mẩn, chăm chút cho từng dụng cụ pha trà. Anh tiếp nhiều đoàn khách đến để thưởng trà, nghe đàm đạo về nghệ thuật trà Việt. Anh chia sẻ 5 nguyên tắc cơ bản để có một tách trà ngon, đó là: "Nhất thủy - nhị trà - tam pha - tứ ấm - ngũ quần anh" (Nhất nước, nhì trà, thứ 3 là cách pha, thứ 4 là ấm trà phải đủ tiêu chuẩn, thứ 5 là bạn tâm giao cùng thưởng thức).
Còn nghệ nhân trà sen Tây Hồ Lưu Thị Hiền lại chia sẻ câu chuyện về cách ướp trà tinh túy của người Hà Nội. Trà sen Tây Hồ hay Thiên Cổ Đệ Nhất Trà là một trong những đặc sản của Hà Nội. Với nguyên liệu làm từ hoa sen Bách Diệp mọc tại một số khu vực ở hồ Tây, trà sen Tây Hồ được làm thủ công, cầu kỳ, tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khâu ướp và ủ trà. “Hầu hết nghệ nhân làm trà ướp sen Tây Hồ không sử dụng các công nghệ hiện đại để làm trà mà vẫn giữ những phương cách thủ công được truyền lại từ thời ông cha”, bà Hiền chia sẻ.
Thu hút hơn 50.000 lượt người
Đến thời điểm này có thể nói, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 đã thành công và để lại dấu ấn với du khách. Theo UBND quận Tây Hồ, lễ hội đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (doanh thu bán hàng trực tiếp trong những ngày diễn ra sự kiện khoảng trên 6 tỷ đồng).
Là một trong những du khách đưa gia đình vui chơi tại Lễ hội Sen Hà Nội vào cuối tuần qua, anh Lê Bá Dũng (quận Hoàng Mai) cho biết, điều ấn tượng nhất khi tham gia lễ hội là được giao lưu với các nghệ nhân trà nổi tiếng của Hà Nội, thưởng thức trà ướp sen chuẩn vị trà sen Tây Hồ. Chị Nguyễn Thu Hương, cư dân tại quận Tây Hồ chia sẻ, nhiều hoạt động tại lễ hội khá hấp dẫn, không chỉ mang đến không gian vui chơi cho người dân và du khách mà còn tạo hiệu quả trong việc quảng bá rộng rãi vẻ đẹp, tinh hoa sen hồ Tây nói riêng và sen Hà Nội nói chung.
Sau thành công của lễ hội, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương khẳng định, lễ hội là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước. Đồng thời, là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 06- Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội”. Lễ hội cũng mở ra định hướng cho quận trong việc tiến tới xây dựng lễ hội sen định kỳ mang thương hiệu của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.