Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu lực và hiệu quả

Thế Nguyên| 23/10/2018 06:29

(HNM) - Bỏ mức phạt cảnh cáo, tăng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… là một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4-9-2018, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP).


Có thể thấy ngay, ở góc độ thông điệp, chế tài này có ý nghĩa rất lớn. Một mặt, việc bỏ mức phạt cảnh cáo, tăng mức phạt tiền đối với một hành vi cụ thể, diễn ra phổ biến như trên cho thấy thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đáng báo động. Mặt khác, chế tài này còn có ý nghĩa răn đe đối với chủ thể hành vi vi phạm, cũng như đem lại tác động về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tuy nhiên, triển khai thực hiện, áp dụng chế tài này như thế nào lại là vấn đề đáng bàn. Nhất là khi không ít quy định, chế tài tương tự liên quan tới sức khỏe (như hút thuốc lá nơi công cộng...) hoặc chính trong lĩnh vực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chỉ khác về mức độ xử phạt - hầu như chỉ có hiệu lực trên giấy.

Bởi lẽ điều dễ thấy khác, kinh doanh ăn uống là loại hình dịch vụ sôi động nhất cả nước. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngần đấy cơ sở, trong khi “bộ máy” quản lý lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm phổ biến trong tình trạng - như thường được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, nhất là khi có sự cố: Người thiếu, chất lượng nhân lực hạn chế, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động chưa bảo đảm...

Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20-10, nhưng để các quy định của nghị định này nói chung, chế tài nêu trên nói riêng có hiệu quả trên thực tế, rõ ràng cần có “bàn tay mạnh”.

Ở đây, “bộ máy” quản lý lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm rõ ràng không thể “chạy” theo địa bàn, “rà” theo cơ sở, "bám" theo người kinh doanh. Nên chăng, với các cơ sở có địa điểm cố định, cơ quan chức năng sớm tính toán tới phương án lắp đặt camera giám sát kết nối với hệ thống điều hành trung tâm. Trong trường hợp cần thiết, đột xuất hoặc định kỳ, cơ quan chức năng có thể trích xuất hình ảnh để giám sát và làm căn cứ xử lý vi phạm (nếu có). Cách làm này tương tự “phạt nguội” đối với vi phạm giao thông mà chi phí đầu tư thiết bị - trước hết là đối với cơ sở kinh doanh có mặt bằng rộng, đông thực khách - là không lớn. Giải pháp này rất có ý nghĩa, thay thế cho cách làm căng sức cũng không xuể hiện nay.

Thứ đến, để bảo đảm bình đẳng cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với “cơ sở lưu động”, tức đối tượng bán hàng rong. Thực tế cho thấy, các “cơ sở lưu động” tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chất lượng thực phẩm liên hệ mật thiết tới sức khỏe cộng đồng, chất lượng giống nòi. Hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay diễn ra phổ biến, tưởng vô hại nhưng rất có thể lại là “kênh” dẫn nhiều loại bệnh tới người sử dụng. Chính vì thế, điểm quan trọng khác lại nằm ở nhận thức của cộng đồng. Tự mỗi một khách hàng cần dứt khoát nói “không” với cơ sở có vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu lực và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.