(HNM) - Hà Nội là thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng được coi là dòng sông mẹ, cái nôi sinh dưỡng nền văn minh của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Dòng sông ấy đã hình thành nên một không gian văn hóa phồn thịnh và nhịp sống sôi động cho Thăng Long xưa đến Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Đầu thế kỷ XX, dân sống phía ngoài đê (nay là trục đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải) thưa thớt. Theo dòng chảy thời gian, dân nhập cư vào Hà Nội ngày càng nhiều, vì không đủ điều kiện ở trong phố nên họ chọn vùng bãi sông làm nơi cư ngụ. Đến nay, phần lớn đất đai phía ngoài đê đã được “lấp đầy”, thậm chí cả một số bãi nổi, bãi giữa xưa kia mùa khô, mùa ngập thì nay cũng được người dân tận dụng để khai thác nguồn lợi kinh tế.
Dân gian có câu "nhất cận thị, nhị cận giang". Lợi thế ấy của vùng đất ven sông Hồng đang được khai thác triệt để. Những con phố mọc lên, nhà cửa san sát, thương mại tấp nập. Chỉ có điều, vì nhiều lý do mà suốt một thời gian dài sự phát triển ấy chủ yếu mang tính tự phát, thiếu một quy hoạch tổng thể.
Giờ đây, khi chúng ta đang chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ của công cuộc đô thị hóa, thì cả hai bên bờ của dòng sông đều đang phải chịu đựng sự lộn xộn, xô bồ. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, nên nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép, làm nơi cư trú, canh tác và kinh doanh bất hợp pháp… diễn ra khá phổ biến, gây nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.
Tất cả những thứ ấy đang đòi hỏi phải có một cuộc tái tổ chức, sắp xếp lại theo trật tự, thuận cho quản lý, lợi cho đời sống. Và thực tế là từ khoảng chục năm nay, TP Hà Nội cũng như một số bộ, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo, xây dựng mới khu dân cư ven đê, ngoài bãi; đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện hạ tầng xã hội như trường học, y tế, xử lý môi trường…
Bên cạnh đó là những giải pháp quản lý, chống lấn chiếm đất khu vực hai bên sông, vùng bãi; bảo vệ hành lang thoát lũ, tránh xói lở; hình thành quỹ đất thu hút nhà đầu tư, tạo nguồn lực, vị thế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 853 nghìn người dân Hà Nội sống ở vùng bãi sông Hồng. Mọi nhu cầu cuộc sống của người dân khu vực ngoài đê, các vùng bãi sông Hồng là thực tế tồn tại thật. Nơi đây hầu như không có trường học, trạm y tế, đường sá, đời sống người dân rất bức bách. Và trách nhiệm của chính quyền thành phố là làm thế nào để không chỉ bảo đảm an toàn phòng chống lũ, tạo vẻ đẹp cảnh quan mà còn phải nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Báo cáo số 267-BC/BCS ngày 16-8-2016 về nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng. TP Hà Nội cũng vừa kiến nghị Trung ương cho thay đoạn đê đất từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương thành đê bê tông, vừa bảo đảm an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị, vừa để người dân có điều kiện cải thiện đời sống tốt hơn.
Như vậy, chúng ta có quyền đặt mục tiêu tới ngày hai bờ sông Hồng sẽ đẹp như dòng Danube ở Budapest, các vùng bãi sông sẽ trở thành những công viên vui chơi giải trí cho nhân dân khi mà thực tế Hà Nội đang rất thiếu không gian vui chơi. Sẽ không còn nữa những tạm bợ của “nhà không số, phố không tên”, thay vào đó là “thành phố lung linh trên sông nước”...
Nhưng để ước mơ ấy thành hiện thực, tất cả đang chờ vào trách nhiệm của mỗi người dân, vào trí tuệ và trái tim của những con người đã sống và gửi tình yêu vào thành phố bên dòng “sông Hồng đỏ nặng phù sa”!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.