Sông Cái - sông Hồng gắn bó ngàn đời với đất Thăng Long - Hà Nội, đã và tiếp tục bồi đắp những giá trị to lớn cho Kinh kỳ - Thủ đô. Vị trí quan trọng của sông Hồng đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch chung Thủ đô - Hà Nội và Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua với những cơ chế đặc thù để hiện thực hóa khát vọng xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi sông, bãi nổi sông Hồng, đồng thời kết nối với những vùng đất giàu di sản truyền thống bên sông, tạo thành một trục phát triển biểu tượng cho khát vọng rồng bay trong thời đại mới. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường gian nan, đòi hỏi tư duy sáng tạo và năng lực hành động. Những mô hình nhen nhóm hôm nay là động lực cho bước phát triển mới.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đã tính đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tự nhiên của dòng sông Mẹ để tạo ra những giá trị mới cho đất “nghìn năm văn hiến”. Các nhà nghiên cứu đã ôm ấp ý tưởng lớn về một con sông chất chứa lịch sử chảy trong lòng Hà Nội, trở thành một trục không gian mang tính điểm tựa cho một không gian xanh với những điểm nhấn đặc sắc thay đổi diện mạo vùng đất bên sông, đồng thời tạo nguồn lực mới phát triển Hà Nội và Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đánh thức tiềm lực vẫn là một câu chuyện, dù hết thảy đều biết quãng đường từ ý tưởng đến thực tế không thể đi trong ngày một, ngày hai.
Sông Hồng là dòng sông Mẹ, bồi đắp, tạo dựng những vùng đất chất chứa dòng chảy văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Và những ngôi làng ven sông đã góp phần hình thành những giá trị của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội hôm nay.
Làng gốm Bát Tràng gắn với Kinh thành từ nghìn năm trước. Nằm ở ven bờ sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, làng Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) dường như “thụ hưởng” những bồi đắp văn hóa nghìn năm của Thăng Long, đặc biệt từ dòng sông Mẹ - sông Hồng.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh - người được coi là “phù thủy đất sét” chia sẻ: Sông Hồng đã tạo nên nghề gốm sứ truyền thống nơi đây và ở làng nghề này, những nét văn hóa truyền thống lâu đời vẫn được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả trong đời sống đô thị. Là nơi chất chứa nhiều di tích văn hóa, lại là làng nghề gốm sứ nổi tiếng, Bát Tràng nhiều năm qua đã trở thành địa điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn - người sinh ra và lớn lên tại Bát Tràng, dành tình yêu lớn cho gốm sứ - cho biết, người dân nơi đây luôn xem trọng văn hóa nguồn cội nên không chỉ nỗ lực bảo tồn, mà còn phát huy những giá trị truyền thống qua sự kết hợp với các yếu tố thời đại. Có lẽ cũng vì vậy, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng luôn tinh tế, độc đáo và có sức hút với thị trường. Được biết, Bát Tràng đang kỳ vọng bảo tồn khu vực trung tâm làng cổ như một không gian văn hóa mở. Tuy nhiên, giữa khát vọng và thực tế còn những khoảng cách cần thu hẹp.
Phía Tây Nam Hà Nội cũng có một vùng đất ven sông Mẹ giàu sức hút - xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Đây là vùng đất cổ gắn liền với sự tích Chử Đồng Tử, cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân. Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Mê mải với những câu chuyện về gắn kết di sản văn hóa với du lịch và với những vườn hoa, đường hoa, loài hoa…, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết thêm: Năm 2005-2007, nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo, từ “dám nghĩ, dám làm”, khai thác thế mạnh về văn hóa ven sông Hồng mà Hồng Vân “trở mình” vươn lên như hôm nay.
Mới đây, mô hình du lịch nông thôn của xã Hồng Vân đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương hiện thực hóa mục tiêu phát triển loại hình du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng nông thôn mới. “Với kỳ vọng về một thành phố du lịch ven sông Hồng, Hồng Vân tự tin là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình ven sông Mẹ - dòng sông của lịch sử và văn hóa”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho hay.
Đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) cũng là một dấu ấn. Ngôi đình uy nghi, cổ kính có niên đại trên 2.000 năm lịch sử vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Bên dòng sông nghìn năm cuộn đỏ, còn rất nhiều di chỉ văn hóa như đền Cô Bơ - Bến Bạc tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề (quận Long Biên)…
Trước thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã cho thấy mối liên hệ của sông Hồng với sự hình thành của khu vực phố cổ, phố cũ. Trong đó, Hồ Gươm và hồ Tây là dấu tích còn lại trong quá trình bồi lắng của một nhánh sông Hồng, gắn với nhiều di sản có giá trị lịch sử. Sông Hồng, nhiều thế kỷ, cũng đã chứng kiến những biến thiên trong lịch sử dân tộc, những thăng trầm, chuyển động của Thủ đô qua năm tháng...
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho rằng, trải qua thời gian, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị. Đến nay, sông Hồng không chỉ là một trong 5 yếu tố di sản đô thị (phố cổ, phố cũ, các công trình di tích lịch sử, làng xóm đô thị hóa, hệ thống hồ ao và sông Hồng) đem lại giá trị đặc trưng cho một đô thị lớn như Hà Nội, mà đã đi vào ký ức, tình cảm của bao thế hệ người Hà Nội.
Nguồn lực văn hóa du lịch ven sông Hồng đã hiện hữu, cánh cửa du lịch cũng đã mở ra, những bước đi nền tảng cần được dựng xây, để từ đó, nguồn lực từ sông Mẹ sẽ chắp cánh viết tiếp những trang sử trong dòng chảy Hà Nội ngày nay và mai sau.
Về vai trò của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhận định: Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử Kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Kinh thành. Do nhu cầu phòng, chống lũ, trị thủy sông Hồng, để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng dần dần được hình thành và gia cố, từ các đoạn đê riêng lẻ đã liên kết thành các tuyến đê dọc theo hai bờ sông. Tuy đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống lũ, song về phát triển không gian, vô hình trung, hệ thống đê chống lũ đã tạo nên sự ngăn cách sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay. Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.
Tạo dựng nền tảng ban đầu về một thành phố ven sông mang tầm quốc tế, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô, ngày 20-10-1996, Thường vụ Bộ Chính trị đã có Thông báo số 10-TB/TƯ về "Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2020". Theo đó: "Mở rộng quy mô Hà Nội chủ yếu về phía Tây (phía Tây Bắc và Tây Nam) và phía Bắc. Ưu tiên trước cho đầu tư phát triển phía Bắc sông Hồng (từ sông Đuống trở lại), nơi đã có sẵn các đầu mối giao thông thuận lợi để phát huy tốt cảng Cái Lân, Hải Phòng, các trục quốc lộ số 18, số 5 và sân bay quốc tế Nội Bài.
Hà Nội đã chú trọng xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch với kỳ vọng hình thành những khu đô thị, không gian xanh ven sông Mẹ. Năm 2022, thành phố đã công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo quy hoạch được phê duyệt, chiều dài quy hoạch phân khu là 40km trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa giới hành chính của nhiều quận, huyện, thị xã, như: Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây...
Trong câu chuyện với phóng viên Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ: Khi thảo luận về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí, bảo đảm không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, nhưng vẫn bảo đảm giá trị văn hóa, lịch sử với đời sống đương đại. Tạo nên những giá trị mới cho thành phố nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, nhất là các huyện ven sông Hồng, đó là tiềm lực văn hóa, du lịch cần được khơi sáng.
Thành phố bên sông là tiếp nối dòng chảy lịch sử của sông Mẹ, làm nên những giá trị mới mang tầm thời đại.
Sông Hồng có tổng chiều dài 556km; trong đó, đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 120km, đi qua địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã. Sông Hồng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên bề dày văn hóa, lịch sử của Thủ đô, mà còn góp phần hình thành cảnh quan, bồi đắp phù sa màu mỡ cho đất nông nghiệp, đồng thời phát triển hệ thống giao thông đường thủy giữa các địa phương. Dọc hai bên sông Hồng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề. Đó là đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín)...