(HNM) - Công tác dân số trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước rất chú trọng. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đạt hiệu quả về nhiều mặt, tiếp tục từng bước chuyển từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong đó, kết quả lớn nhất là đã bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là bước chuẩn bị vững chắc cho quá trình dân số Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang quá trình già hóa dân số.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác dân số vẫn đang đối diện với những thách thức lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất và khó giải quyết nhất là mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này dù đã có những cải thiện nhất định nhờ những chính sách về bình đẳng giới và nhiều giải pháp ứng phó, song sự phân biệt giới tính, tâm lý mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường”, làm “trụ cột” gia đình vẫn rất nặng nề ở một số địa phương. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có những tỉnh, thành phố, tỷ số giới tính khi sinh lên đến 100 bé gái/ 120 bé trai.
Vấn đề chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, khu vực cũng đang tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội. Tại các đô thị lớn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, mức sinh hiện được đánh giá là thấp. Trong khi đó, ở những vùng điều kiện kinh tế khó khăn, thì mức sinh lại cao. Đây là một nghịch lý cần được giải quyết triệt để, bởi về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, giống nòi, nguồn nhân lực.
Một thực tế khác cũng rất đáng phải suy nghĩ, đó là chất lượng dân số lại đang có "vấn đề". Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện lên đến 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt khoảng 64 năm. Trung bình một người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính. Điều này cho thấy, tuổi thọ bình quân của người dân tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp.
Bên cạnh đó, thời kỳ dân số vàng và thời kỳ già hóa dân số đang diễn ra gần như cùng lúc. Do đó, giai đoạn dân số vàng của nước ta ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Hóa giải những thách thức về dân số nói trên, Thủ tướng Chính phủ ngày 22-11-2019 đã có Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, triển khai đầy đủ, toàn diện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ. Mục tiêu, nhiệm vụ bao trùm là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Công tác dân số phải chú trọng toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển nhanh, bền vững.
Chiến lược cũng đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Đó là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số; thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đáng chú ý là mục tiêu cải thiện 2 hạn chế hàng đầu hiện nay: Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống các giải pháp để hóa giải các vấn đề về công tác dân số cần giải quyết cả giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần cũng được chiến lược đề ra một cách đầy đủ, toàn diện và cũng rất cụ thể về việc bố trí nguồn ngân sách, về bộ máy quản lý, về kinh tế, về tuyên truyền nâng cao nhận thức… cũng được đề cập hết sức cụ thể.
Còn chặng đường hơn 10 năm để chúng ta triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân số Việt Nam theo tinh thần của Quyết định số 1679/QĐ-TTg, nhưng vấn đề thiết thực, trọng tâm nhất ngay từ lúc này là làm cuộc cách mạng để thay đổi vóc dáng, chiều cao, cân nặng… của thanh thiếu niên.
Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân số và phát triển, giúp đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho thị trường lao động, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.