(HNMO)- Sáng 5-12, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo lần thứ nhất của “Dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội”.
Tại hội thảo, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư phát triển nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng... Song một số loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô hiện nay do các nhà tài trợ khác nhau nên công nghệ quản lý, vận hành, phần mềm, phần cứng của từng dự án cũng khác nhau.
Để bảo đảm việc kết nối, thống nhất về công nghệ, UBND TP Hà Nội đã ban hành các quy định phê duyệt đề án khung chính sách, công nghệ thẻ vé điện tử áp dụng cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, các quyết định này chưa quy định cụ thể việc quản lý, vận hành, tính liên thông giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn hiện nay và trong thời gian tới. Đó là lý do TP Hà Nội đã đề xuất và JICA quyết định tài trợ cho dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội”.
Để bảo đảm việc xây dựng các định hướng nghiên cứu cơ bản về hệ thống thẻ vé điện tử liên thông, thành phố đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, góp ý cần xem xét các mô hình quản trị thẻ vé hiện nay trên thế giới, đánh giá ưu nhược điểm của các mô hình đang vận hành, trên cơ sở đó đưa ra mô hình quản trị thẻ vé phù hợp với điều kiện của Hà Nội. Với hệ thống vận hành, yêu cầu xây dựng quy định về công nghệ áp dụng cho dự án phải bảo đảm tính khả thi và khi dự án hoàn thành có thể áp dụng ngay vào thực tiễn. Việc xây dựng hệ thống giá vé phải bảo đảm khoa học, thu hút được tỷ lệ người dân tham gia sử dụng các phương tiện công cộng của Thủ đô ngày càng gia tăng. Đặc biệt, hệ thống công nghệ phải là hệ thống mở nhằm bảo đảm có thể tích hợp các hệ thống với nhau trong tương lai.
Ông Takagi Michimasa - Tư vấn trưởng của dự án cho rằng, Hà Nội đang tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng với đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT và mở rộng mạng lưới xe buýt nhằm giảm ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn. Hệ thống vé tự động (AFC) vừa được đưa vào triển khai cho xe buýt nhanh BRT và sẽ sớm được triển khai cho tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Đối với xe buýt, dự kiến đưa vào triển khai hệ thống này trong các giai đoạn sắp tới. Vì vậy, việc xây dựng hướng dẫn thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm cho tính liên thông của các hệ thống thẻ vé điện tử trong giao thông là hết sức quan trọng.
Các chuyên gia của dự án cho biết, về tiêu chuẩn kỹ thuật, cấu trúc vùng dữ liệu trong thẻ vé điện tử sẽ được xây dựng để có thể sử dụng được cho nhiều loại hình giao thông khác nhau trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu cho các phương tiện liên thông. Theo đó, thẻ vé điện tử sẽ cần được định dạng theo hai vùng: Vùng sử dụng chung cho hệ thống AFC liên thông và vùng sử dụng riêng của từng công ty vận hành. Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được xây dựng để có thể mở rộng ứng dụng trong tương lai ngoài ứng dụng cho giao thông. Và tiêu chuẩn này cũng được xây dựng với các nội dung có thể đáp ứng tính linh hoạt khi có sự thay đổi về hệ thống vé và giá vé cũng như hệ thống vận hành trong tương lai.
Về chính sách vé, phương pháp tính giá vé sẽ theo cự ly và sẽ giảm giá khi có trung chuyển. Giá vé được tính dựa trên kết hợp kết quả dữ liệu kiểm soát lên, vào và xuống, ra để thu tiền theo cự ly đã đi. Việc lưu trữ dữ liệu chuyến đi của mỗi hành khách cũng nhằm giúp tối ưu hóa hệ thống giao thông công cộng để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.