Sau nhiều năm nỗ lực triển khai thí điểm, mô hình thẻ vé điện tử cho hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư triển khai hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức để triển khai áp dụng trong năm 2024.
Những mô hình thí điểm đầu tiên
Ngay từ tháng 10-2014, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm mô hình thẻ vé điện tử cho xe buýt trên tuyến 06 (Giáp Bát - Cầu Giẽ) với việc phát hành 200.000 vé điện tử thay thế cho vé giấy.
Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ một số hạn chế, như: Đầu đọc thẻ thường xuyên không nhận dạng được thẻ nên vẫn phải kiểm soát thủ công, do đó chưa mang lại sự thuận tiện cho hành khách; hệ thống chưa trích xuất được các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Vì vậy, dự án thí điểm đã phải dừng vào ngày 1-4-2015.
Từ tháng 10-2018 đến ngày 1-8-2019, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Về cơ bản, hành khách được tiếp cận với hình thức vé tiên tiến, đa số hành khách đều có phản hồi tích cực. Về công tác quản lý nhà nước đã xác định được lượng hành khách đi vé tháng 1 tuyến, vé tháng liên tuyến nhưng hệ thống mới triển khai trên 1 tuyến nên chưa đánh giá được tính liên thông.
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu triển khai, cùng với quá trình từng bước hiện đại và đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng, hiện tại hệ thống thẻ vé điện tử của thành phố Hà Nội đã được triển khai trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và 9 tuyến buýt điện của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus. Sau hơn một năm hoạt động, hệ thống hoạt động ổn định vừa thuận tiện cho hành khách, vừa dễ dàng cập nhật các số liệu hoạt động và doanh thu gần như tức thời trên hệ thống, giúp đơn giản hóa công tác thống kê, phân tích của người quản lý để từ đó có số liệu nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành tuyến.
Hệ thống chấp nhận thẻ do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội phát hành và có thể sử dụng các phương tiện thanh toán khác. Ngoài thanh toán trực tiếp trên xe, khách hàng có thể đăng ký, nạp tiền, thanh toán trực tuyến 24/7 mà không cần đến các điểm giao dịch để mua vé...
Cần mô hình mới với yêu cầu cao
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, việc áp dụng thẻ vé đối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng còn rất nhỏ, chưa bảo đảm tính liên thông giữa các tuyến và vẫn chỉ là vận hành độc lập; công nghệ thẻ vé chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Việc chưa áp dụng được hệ thống thẻ vé điện tử trên các tuyến buýt sẽ gây khó khăn cho việc tính toán, kiểm soát sản lượng hành khách, giảm tiện ích trong hoạt động vận tải công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương triển khai hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức nhằm tạo thuận tiện cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
Đến nay, UBND thành phố đã có Quyết định số 4922/QĐ-UBND ngày 22-1-2021 tiếp nhận kết quả thực hiện sản phẩm đầu ra 1, sản phẩm đầu ra 2 dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho giao thông công cộng tại Hà Nội do JICA tài trợ bằng nguồn vốn ODA làm cơ sở từng bước hình thành hệ thống vé liên thông trên địa bàn thành phố.
Mới đây, đã có 3 đơn vị kiến nghị thành phố cho phép thí điểm triển khai hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Sở Giao thông - Vận tải đánh giá, đây là các đơn vị đã có kinh nghiệm thực tiễn và hoàn toàn có thể đáp ứng được việc triển khai thí điểm. Các đơn vị đề xuất thí điểm đều lựa chọn các tiêu chuẩn công nghệ vé, thẻ vé mới thông dụng nhất hiện nay, bảo đảm kế thừa khung tiêu chuẩn đã được UBND thành phố ban hành và có tính mở, dễ dàng nâng cấp, chỉnh sửa, bổ sung chức năng theo yêu cầu phát sinh. Hệ thống có thể thiết lập giá vé linh hoạt, cập nhật số liệu báo cáo thường xuyên và có thể tích hợp liên thông với hệ thống vé điện tử của buýt điện đang sử dụng và sẵn sàng liên thông với các tuyến đường sắt đô thị và các loại hình dịch vụ khác.
Về thời gian thí điểm, các đơn vị đề xuất thời gian thí điểm là 1 năm kể từ ngày được UBND thành phố chấp thuận để làm cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm (bao gồm cả thời gian chuẩn bị hạ tầng, lắp đặt thiết bị, tập huấn, đào tạo...). Về phạm vi thí điểm sẽ triển khai trên 14 tuyến buýt thường và 1 tuyến buýt nhanh BRT.
Trong thời gian tới, để triển khai phát triển hệ thống vé hiệu quả, bảo đảm kết nối liên thông các loại hình vận tải hành khách công cộng cần thực hiện một số nhiệm vụ, như: Ban hành quy định về quản lý và áp dụng các công nghệ cho hệ thống thẻ vé điện tử cho giao thông công cộng; thành lập trung tâm quản trị vé (FMC); xây dựng chính sách vé liên thông; xây dựng phương án và lộ trình đầu tư hệ thống vé điện tử liên thông cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.