(HNM) - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội và Hội nghị giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận, huyện vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã yêu cầu: Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải đặt mình vào vị trí của người dân để tìm ra cách giải quyết thấu tình đạt lý!
Phải khẳng định rằng ý kiến của người lãnh đạo cao nhất thành phố mang tính chất thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo nói chung và là một sự khác biệt đối với tình trạng làm việc của cán bộ lãnh đạo các cấp ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, từ lâu lắm rồi, tại các báo cáo sơ kết, tổng kết đều có mẫu đánh giá giống nhau: việc nào đó thành công là do lãnh đạo chỉ đạo của cấp trên, do cán bộ tận tụy, nhiệt tình, có chuyên môn giỏi, nắm vững quy định, quy tắc, làm đúng chức trách…; ngược lại, nếu không hiệu quả thì do cán bộ "năng lực còn hạn chế", "còn một số tồn tại khách quan, chủ quan"... Với quan điểm của Bí thư Thành ủy Hà Nội, người cán bộ lãnh đạo mới chỉ giỏi chuyên môn, tận tụy, nhiệt tình, giữ vững nguyên tắc…, là hoàn toàn chưa đủ để giải quyết thấu đáo những vấn đề dân sinh trong phạm vi trách nhiệm của mình. Nói cách khác, nếu chỉ có thế thì không thể hiểu và cảm thông, chia sẻ với dân. Không hiểu dân thì người cán bộ lãnh đạo giải quyết các vấn đề của dân một cách máy móc, cứng nhắc. Không đặt mình vào vị trí của dân thì không hiểu người dân vất vả, lo lắng như thế nào khi phải chuyển nhà đến nơi mới lạ để nhường chỗ cho các khu đô thị, các công trình công cộng. Không đặt mình vào vị trí người dân thì không hiểu và cảm thông khi con đường trước nhà quanh năm khói bụi, lầy lội, hay vài ba năm rồi mà không có nước sạch để sinh hoạt… Phải đặt mình vào vị trí người dân để hiểu tâm tư, tình cảm, hiểu những bức xúc của dân thì mới giải quyết các việc của dân thấu tình đạt lý. Nếu chỉ ghi vài dòng chỉ đạo vào văn bản hay chỉ đạo giải quyết theo quy định thì thực ra mới làm hết… một nửa trách nhiệm. Nói cho cùng trách nhiệm vẹn toàn của người cán bộ cách mạng là phải giải quyết việc thấu tình đạt lý đối với dân, giúp cho dân bình yên, hạnh phúc. Trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo chỉ có… một nửa, ở mức độ nào đó có thể gọi là… vô cảm.
Phải chăng chỉ mới có trách nhiệm… một nửa và cùng với những biểu hiện sách nhiễu, vô cảm, thậm chí tiêu cực của không ít cán bộ nên các vấn đề bức xúc của dân không được giải quyết, để tồn đọng lâu ngày, dẫn đến những vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp - nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng?
Sẽ có người "cãi" rằng: Chúng tôi là cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm, không tiêu cực, giải quyết các vấn đề dân sinh theo quy định, không thể là nguyên nhân gây nên bức xúc của người dân như những cán bộ tiêu cực, biến chất!
Đúng là người cán bộ như vậy không thể giống những cán bộ tiêu cực, biến chất, tham nhũng, hách dịch với dân. Nhưng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống người dân một cách máy móc, vô cảm, mà không hiểu tâm tư tình cảm của người dân, thì hậu quả của nó cũng là "anh em sinh đôi" với hậu quả do những cán bộ tiêu cực, biến chất gây ra. Đó là người dân càng bức xúc khi những nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của họ không được giải quyết thấu đáo, thậm chí bị xâm hại. Chỉ có khác là mức độ hậu quả do cán bộ tiêu cực gây ra nghiêm trọng hơn và việc chỉ mặt đặt tên những cán bộ đó dễ dàng hơn. Không có chế tài để xử lý những cán bộ hoàn thành trách nhiệm… một nửa. Nhưng sự vô cảm từ trách nhiệm… một nửa sẽ dẫn đến tích tụ thêm những bức xúc của dân, thì chúng ta có thể quy trách nhiệm được.
Sự thay đổi cách làm việc trong công tác lãnh đạo của cán bộ như yêu cầu của người lãnh đạo cao nhất thành phố sẽ là sự thay đổi mạnh mẽ: người cán bộ cách mạng phải gần dân, hiểu dân! Khi đặt mình vào vị trí người dân để gần dân và hiểu dân thì mới ra những quyết định hệ trọng, liên quan đến cuộc sống của người dân, không bị sai lạc, không gây bất bình trong dân.
Phân tích những điều trên đây để đi đến một nhận xét rằng, sự thờ ơ, vô cảm của người cán bộ suy cho cùng cũng có lỗi với dân, với nước, làm phương hại đến uy tín của Đảng, đến lợi ích của dân tộc… Do đó, như ý kiến của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, người cán bộ lãnh đạo phải có cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, tận lực, am hiểu chế độ chính sách, am hiểu tình hình thực tế, gần dân, hiểu dân, xuất phát từ quyền lợi chính đáng của dân, có những biện pháp "tháo ngòi nổ" những bức xúc của dân, giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đây là một công việc không phải cứ có tiền là làm được và cũng không thể nhập khẩu "công nghệ" từ nước ngoài về. Điều quan trọng là cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên biết đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.