Đời sống

"Hạt nhân" làng nghề ở Phú Xuyên

Bạch Thanh 01/11/2023 - 14:14

Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 17 nghệ nhân thuộc các làng nghề, trong đó có 2 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước trao tặng, 15 nghệ nhân do thành phố công nhận, cùng hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các đơn vị suy tôn, vinh danh...

Vai trò "hạt nhân"

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên không ngừng phát triển, thời nào cũng có những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chất lượng cao, nổi tiếng... Có được điều đó chủ yếu nhờ sự gắn bó, tâm huyết với nghề truyền thống của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Văn Luận - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề mộc truyền thống ở thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, đồng thời cũng là một trong những nghệ nhân, thợ giỏi của địa phương chia sẻ: "Trước sự cạnh tranh của thị trường, nhất là sản phẩm công nghiệp, việc duy trì ổn định, phát triển làng nghề được xem là yếu tố sống còn. Vì vậy, vai trò, tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi càng quan trọng, thậm chí được xem như cánh chim đầu đàn để làng nghề tồn tại, phát triển. Chúng tôi tự hào là làng nghề đồ gỗ Đại Nghiệp sở hữu lực lượng hùng hậu những người giỏi nghề, làm giàu được từ nghề"...

Hiện, sản phẩm đồ gỗ của làng Đại Nghiệp có mặt ở nhiều resort, khu di tích, đình, đền, chùa lớn, được đánh giá đáp ứng tiêu chí nội thất resort 5-6 sao...

px1.jpg
Sản phẩm tò he được các nghệ nhân thôn Xuân La, xã Phượng Dực sáng tạo độc đáo.

Bà Nguyễn Thị Lương - nghệ nhân mây tre đan ở thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc cũng chia sẻ: "Tôi gắn bó với nghề mây tre đan đến nay đã mấy chục năm. Chúng tôi tự hào là sản phẩm cỏ tế có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Khi du lịch nước ngoài, nhìn sản phẩm cỏ tế của mình được người tiêu dùng các nước sử dụng, yêu mến, trân trọng càng như "tiếp lửa" để chúng tôi cho ra đời ngày một nhiều sản phẩm độc đáo hơn. May mắn, hôm nay có nhiều tay nghề trẻ không kém bậc lão thành"...

px3.jpg
Nghệ nhân cỏ tế Nguyễn Thị Lương ở xã Phú Túc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bắc ở làng khảm trai Chuyên Mỹ cho hay, khảm trai Chuyên Mỹ đã có thương hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc, vượt ra cả biên giới Việt Nam với nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao.

Tuy nhiên, trong hàng trăm người làm nghề chỉ có 10 người giỏi nghề; trong hàng chục người giỏi nghề cũng rất hiếm người có đam mê, dấn thân để cho ra đời sản phẩm "có một không hai". Bởi ngoài đam mê, nghệ nhân, thợ giỏi cũng phải đối mặt với "cơm áo gạo tiền" như những nghề khác. Có sản phẩm khi hoàn thành, nghệ nhân phải làm từ vài tháng đến cả năm - điều này chỉ có thể lý giải do tình yêu, sự đam mê với nghề...

px2.jpg
Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ xóm Cầu Gầm, xã Sơn Hà, luôn đổi mới mẫu mã sản phẩm.

Anh Bùi Xuân Lợi - chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ ở xóm Cầu Gầm, xã Sơn Hà là một trong những thợ giỏi, tay nghề cao, trẻ tuổi của huyện Phú Xuyên tâm sự: "Ngay từ nhỏ, tôi đã thấm đẫm nghề truyền thống. Tôi may mắn được học và hiểu biết thêm về mỹ thuật, thiết kế nên có những định hướng mới cho sản phẩm. Ngoài chất riêng độc đáo, kỹ thuật làm nghề cùng những ứng dụng hiện đại, chúng tôi đang dần chinh phục khách hàng kỹ tính"...

Lan tỏa giá trị truyền thống

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân) Hoàng Văn Luận, nghề truyền thống đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, người thợ phải học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp và cần vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm hàng hóa. Các lớp dạy thủ công mỹ nghệ truyền thống 3-4 tháng chỉ dạy cho học viên làm được sản phẩm đơn giản hoặc công đoạn nào đó của sản phẩm.

Do đó, việc truyền dạy nghề từ các thợ giỏi, nghệ nhân chính là nhân tố quan trọng để làng nghề duy trì, phát triển, không bị đứt gãy nhân lực. Vì vậy, việc hỗ trợ đào tạo, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi cần làm thường xuyên hơn nữa để tạo động lực cống hiến cho xã hội...

px4.jpg
Huyện Phú Xuyên khen thưởng, vinh danh các nghệ nhân làng nghề.

Thông tin từ Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho thấy: Toàn huyện có 17 nghệ nhân từ các làng nghề được Nhà nước phong tặng, trong đó có 2 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước trao tặng: Ông Đặng Văn Tiên nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực và ông Nguyễn Đức Viết làm khảm trai ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ; 15 nghệ nhân do thành phố công nhận. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các đơn vị suy tôn, vinh danh.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, Phú Xuyên đứng thứ 3 thành phố về số địa phương có làng nghề truyền thống với 154/154 làng, cụm dân cư có nghề. Trong đó, 43 làng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Các làng nghề nổi tiếng như: Khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ có cách đây hơn 1.000 năm; đan cỏ tế xã Phú Túc; may mặc xã Vân Từ; da giày xã Phú Yên; đồ gỗ cao cấp xã Tân Dân, Văn Nhân; dệt tơ lưới chã xã Quang Trung; cơ kim khí xã Đại Thắng và thị trấn Phú Minh… Đặc biệt, có những làng nghề đặc trưng như nghề nặn tò he Xuân La - Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề nặn tò he duy nhất ở Việt Nam.

Thời gian tới, Phú Xuyên có thêm hoạt động động viên, vinh danh, ghi nhận lực lượng lao động tại các làng nghề; tạo phong trào thi đua sản xuất, sáng chế sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, giúp làng nghề ngày càng phồn thịnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội vinh danh làng nghề, huyện Phú Xuyên phối kết hợp Công ty hợp danh Á Âu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức đấu giá 4 sản phẩm làng nghề độc đáo của huyện.

Kết quả: 3 sản phẩm của Câu lạc bộ tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực gồm: Biểu tượng chùa Một Cột được đấu giá 30.000.000 đồng, biểu tượng Khuê Văn Các 36.000.000 đồng và biểu tượng Cột cờ Hà Nội 9.500.000 đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hạt nhân" làng nghề ở Phú Xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.