Được thành lập trên cơ sở sáp nhập một phần địa giới của 12 phường thuộc 5 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên và Hai Bà Trưng, phường Hồng Hà hiện có địa giới bao gồm toàn bộ khu vực ngoài đê Hữu Hồng và trở thành một trong những phường có diện tích lớn và đặc thù nhất của Thủ đô Hà Nội.
Nhiều khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước, song Hồng Hà cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu được phát triển đúng định hướng, Hồng Hà chắc chắn sẽ vươn mình, trở thành trung tâm văn hóa, du lịch mới của Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Hồng Hà trở thành đơn vị hành chính có diện tích lớn nhất trong các phường của Hà Nội, có địa giới hành chính trải dài ven đê sông Hồng, từ cầu Nhật Tân tới cầu Vĩnh Tuy.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh, sau khi thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất địa giới và dân cư từ 12 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội, phường Hồng Hà hiện có diện tích tự nhiên khoảng 15,1km², với quy mô dân số khoảng 124.000 người. Do toàn bộ diện tích phường Hồng Hà đều nằm ngoài đê sông Hồng nên khu vực này gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Những ngày qua, Đảng bộ, chính quyền phường Hồng Hà đã chủ động bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung để sẵn sàng phục vụ nhân dân, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm không bị gián đoạn.
Lãnh đạo phường Hồng Hà đã thường xuyên truyền tải những thông điệp tích cực, tạo động lực mạnh mẽ và tinh thần gắn kết trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức. Với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, “chạy đua với thời gian”, phường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có không ít việc mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ. Toàn bộ hệ thống chính trị đã cùng nhau “chạy nước rút”, từ chuẩn bị cơ sở vật chất đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhân sự. Nhờ nỗ lực đó, phường Hồng Hà đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, sẵn sàng phục vụ nhân dân một cách tốt nhất khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, Bí thư Đảng ủy phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh cho biết, Hồng Hà là đơn vị hành chính mới, có quy mô dân số đông và địa bàn đặc thù. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng hiện đại, tinh gọn và phục vụ nhân dân một cách hiệu quả nhất. Việc sáp nhập các phường thuộc 5 quận khác nhau kéo theo sự đa dạng về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, thói quen quản lý cũng như văn hóa cộng đồng. Điều này đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao và cách tiếp cận đổi mới, đồng bộ ngay từ những bước đầu trong quá trình xây dựng chính quyền.
Bí thư Đảng ủy phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ, việc xây dựng bộ máy chính quyền phường không phải là “sắp xếp lại” mà là một quá trình tái cấu trúc toàn diện, mạnh mẽ và quyết liệt. Từ khâu bố trí nhân sự, tổ chức bộ máy, quy trình giải quyết thủ tục đến đổi mới tác phong công vụ, tất cả đều phải hướng đến hiệu quả, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm. Mục tiêu mà Hồng Hà hướng tới là xây dựng một chính quyền chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ, quản lý dữ liệu tốt và gần dân, trong đó mỗi cán bộ phường phải là một “người phục vụ tận tâm”.
Ngay sau khi phường Hồng Hà chính thức vận hành theo mô hình đơn vị hành chính mới, Tổ công tác số 4 về chỉ đạo, hướng dẫn công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm Tổ trưởng đã trực tiếp đến kiểm tra, đôn đốc và động viên Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân phường Hồng Hà. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, bên cạnh niềm tự hào khi nhận sứ mệnh mới, Hồng Hà cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Gợi mở một số định hướng để phát triển phường Hồng Hà phù hợp với tiềm năng và điều kiện tự nhiên vốn có, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, phường Hồng Hà cần đặt trọng tâm phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao, tận dụng lợi thế của vùng bãi ven sông để phát triển. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là hướng đi lâu dài để xây dựng Hồng Hà thành một công viên sinh thái, điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng lưu ý, Hồng Hà cần tập trung cơ cấu lại dân cư ngoài đê trên cơ sở quy hoạch của Trung ương và Thành phố; quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, đất đai để thích ứng với điều kiện tự nhiên và dòng chảy sông Hồng, từ đó giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Cùng với đó, phường cần rà soát lại toàn bộ sản xuất nông nghiệp vùng bãi, phát triển mô hình mùa vụ phù hợp, sản xuất rau, hoa chất lượng cao, gắn với du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Đồng thời, phường cũng cần nghiên cứu và đề xuất với thành phố phương án phát triển giao thông, cảnh quan hai bên sông Hồng theo hướng giữ gìn yếu tố tự nhiên, khai thác hợp lý quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi, dịch vụ, khách sạn, qua đó tạo nguồn thu bền vững.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng khẳng định, với vị trí đặc thù, phường Hồng Hà sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Thành phố. Đồng thời, ông đề nghị phường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giữ vững an ninh trật tự và tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, nhằm xây dựng địa phương ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.