(HNM) - Tháng 8-1967, Trung đoàn 59 - Bộ Tư lệnh Thủ đô được thành lập. Nhiệm vụ của Trung đoàn là tuyển chọn và huấn luyện thanh niên Thủ đô trở thành những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam chi viện kịp thời cho các chiến trường.
Trong suốt 8 năm, từ năm 1967 đến năm 1974, Trung đoàn đã tuyển chọn và huấn luyện 42 tiểu đoàn với gần 3 vạn chiến sĩ. Các tiểu đoàn sau khi hoàn thành huấn luyện tân binh được tăng cường cho các chiến trường, vì vậy còn có tên gọi là quân tăng cường Thủ đô. Các Tiểu đoàn quân tăng cường Thủ đô có mặt ở hầu hết các mặt trận trên chiến trường miền Nam. Những thanh niên ưu tú của Thủ đô đã chiến đấu rất dũng cảm, cùng toàn quân và toàn dân làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có 14 cán bộ, chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.781 lượt người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và hàng chục nghìn người được trao, truy tặng nhiều huân, huy chương các loại. Hơn 7.000 người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Ngay từ đầu năm 1971, lứa học sinh lớp 10 phổ thông chúng tôi được đặc cách tốt nghiệp cấp III để nhập ngũ. Tháng 5-1971, có một đợt tân binh lên đường, đến tháng 9-1971 lại một lứa học sinh rời ghế nhà trường tòng quân giết giặc. Không khí náo nhiệt của thanh niên Thủ đô lên đường đánh giặc làm cho chúng tôi không còn lòng dạ ngồi học hay làm việc. Và như một quy luật tự nhiên: Hết lớp người này đến lớp người khác nhằm hướng chiến trường thẳng tiến. Tôi và nhiều anh em khác may mắn được học hết chương trình lớp 10 và dự thi đại học. Cuối tháng 8-1971, chúng tôi vừa được nhận giấy vào học đại học vừa nhận giấy báo nhập ngũ. Tất nhiên chúng tôi chọn thực hiện nghĩa vụ của thanh niên thời chiến, trở thành bộ đội Cụ Hồ.
Đang là những thanh niên "dài lưng tốn vải", ít phải lao động nặng, nay trở thành chiến sĩ với những buổi luyện tập vô cùng vất vả nhưng chúng tôi nhanh chóng thích ứng, vượt qua. Anh em xác định được lý tưởng sống của thanh niên khi đất nước có chiến tranh nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Trước khi trở thành người lính chiến trường, anh em tân binh phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài 3 tháng đến 6 tháng. Nhiệm vụ gấp rút, nhiều đơn vị vừa huấn luyện, vừa hành quân vào chiến trường. Các khóa huấn luyện quân tăng cường Thủ đô lúc đầu được thực hiện ở ngoại thành Hà Nội, sau đó để sát với điều kiện địa hình chiến trường, anh em được chuyển lên huấn luyện tại tỉnh Hòa Bình.
Ngoài những giờ huấn luyện tại thao trường, các môn chiến thuật, chúng tôi còn được học chính trị, noi gương lòng yêu nước của các vị hiền nhân, những danh nhân của đất nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong các buổi học về chiến thuật ngoài thao trường cũng như các buổi học về chính trị ở hội trường lớn, chúng tôi đều hát các bài hát khơi dậy lòng yêu nước, lạc quan cách mạng, tham gia biểu diễn trong nhiều đêm liên hoan với thanh niên địa phương. Trong những tiết mục văn nghệ đó, có khá nhiều tiết mục tự biên như: tấu Anh quân bưu, bài hát Cô y tá, Cô hậu cần Trung đoàn, Hành khúc quân tăng cường Thủ đô. Với Hành khúc quân tăng cường Thủ đô, lúc đầu có tên là Bài ca chiến sĩ Thủ đô được coi là dành riêng của những chiến sĩ Hà Nội nhưng đã được đông đảo anh em yêu mến và ca hát cả trong lúc luyện tập tại thao trường cũng như trên đường hành quân.
Hòa trong không khí hân hoan của cả nước kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 22-4, các cựu chiến binh của Trung đoàn 59, quân tăng cường Thủ đô sẽ gặp mặt và hát vang những bài hát năm xưa để nhớ về một thời hào hùng của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.