(HNM) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét. Đây là những nền tảng, động lực quan trọng để Hà Nội tiếp tục hành trình không có điểm kết thúc, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Nông thôn mới về đích trước 2 năm
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, kết thúc giai đoạn 2011-2015, thành phố có 201/386 xã (chiếm 52,07%) và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới thì đến nay đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm) và 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (số xã hiện nay giảm so với giai đoạn 2011-2015 do một số xã sáp nhập địa giới hành chính). Kết quả này hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu đề ra và Hà Nội hiện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện, thị xã và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,1%), 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hà Nội đã huy động được hơn 56.512 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới với sự tham gia chung sức của toàn xã hội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận xét: Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội đó chính là cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Để nâng cao đời sống nông dân, nhiều chương trình hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai. Nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế nông thôn đã hình thành, điển hình như phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), xã Ba Trại (huyện Ba Vì), giúp tạo chuyển động tích cực cho các làng quê. Cùng với đó, kinh tế làng nghề có bước phát triển căn cơ hơn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được tăng cường, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt trên 98%. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2020 giảm còn dưới 0,5%.
Cùng với đó, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh tạo điều kiện để nhân dân được tham gia đóng góp và trực tiếp thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Người dân phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền.
Nền tảng để đi tiếp
Là Thủ đô văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước và gắn với nền văn minh lúa nước của người Việt, Hà Nội đang lưu giữ 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nông thôn Hà Nội có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với những phong tục, tập quán đẹp mang tính đặc thù của mỗi làng quê. Đây là nét đặc sắc của nông thôn Hà Nội - nông thôn của đất văn hiến, cũng là nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế nông thôn. PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết: Thành phố đang triển khai mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô trên nền tảng gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa...
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, có kinh tế - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng làng quê được giữ gìn và phát huy... Hiện Hội Nữ trí thức Hà Nội (chủ trì) đang phối hợp cùng các sở, ngành thành phố hoàn thiện đề án, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt. Theo kế hoạch, hai xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) được chọn làm thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô. Như vậy, Hà Nội đã đi những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong nhiều lần phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái… Xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nên với các xã, các huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cần tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Có thể nói, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực và toàn diện. Nông thôn mới Hà Nội không chỉ “về đích” ấn tượng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận mà còn tạo được nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo - phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững, mang bản sắc riêng có của Thủ đô văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.