Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế thuốc lá: Tăng thuế và chống buôn lậu

Hương Ly| 19/09/2014 06:13

(HNM) - Việt Nam nằm trong 15 nhóm nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, hậu quả thế nào, chắc không phải nói thêm.



Do vậy, các chuyên gia về sức khỏe đã kiến nghị tăng tỷ lệ thuế suất trên mỗi bao thuốc lá để hạn chế tiêu dùng mặt hàng này. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính, thuế suất với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng từ 65% lên 75% vào năm 2015 và tiếp tục nâng lên mức 85% từ năm 2018. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thuốc lá, việc tăng thuế có thể sẽ khiến hoạt động buôn lậu mặt hàng này tăng mạnh.

Tăng 105% thuế tiêu thụ thuốc lá...

Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia trong hội thảo "Cung cấp thông tin cho báo chí về lợi ích thuế thuốc lá" vừa diễn ra trung tuần tháng 9-2014 nhằm kìm hãm sức mua mặt hàng này. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho thấy, nếu việc tăng thuế khiến giá thuốc lá tăng 10% thì mức tiêu dùng sẽ giảm khoảng 5%. Trong khi đó, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam mới chỉ dừng ở mức hơn 41%.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam trong khối ASEAN hiện chỉ cao hơn Campuchia. Theo số liệu thống kê của WHO năm 2013, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam là 41,6% trong khi Brunei là 81%, Singapore là 71%, Thái Lan là 70%... Đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam có số người hút thuốc lá thuộc nhóm lớn nhất thế giới với 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá. Mỗi năm, có 40.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá và sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030.

Theo tính toán của WHO, để đạt được mục tiêu trong chiến lược quốc gia (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 47,4% hiện tại xuống 39% thì mức thuế TTĐB với thuốc lá phải khoảng 105% vào năm 2015 và 145% vào năm 2018. Tỷ lệ thuế nên chiếm 2/3 hoặc 4/5 giá bán lẻ như một số nước khác để kìm sức mua. Cùng quan điểm này, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, mức thuế TTĐB sẽ tăng từ 65% lên 75% vào năm 2015 theo đề xuất của Bộ Tài chính là chưa đủ bởi sức mua sẽ không thay đổi.

Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, năm 2012, người Việt Nam đã chi hơn 23.000 tỷ đồng cho chi phí mua thuốc lá và điều trị 5 bệnh liên quan do thuốc lá gây ra. Trong khi đó thu ngân sách từ lĩnh vực này chỉ đạt gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2012 và gần 17.000 tỷ đồng năm 2013. Với bước thuế suất chỉ điều chỉnh tăng thêm 10% theo dự thảo Luật Thuế TTĐB, giá bán lẻ thực tế sẽ chỉ tăng khoảng 2,9% vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019, trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người thực tế tăng khoảng 4,8% hằng năm. Vì vậy, sức mua thuốc lá vẫn tăng mạnh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công cụ thuế đóng góp 50-60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá nên phải tăng thật mạnh thuế đánh vào mặt hàng này thì mới giảm sức mua và tỷ lệ sử dụng.

… và chống buôn lậu

Với phương án tăng thuế TTĐB với thuốc lá từ 65% lên 75% vào năm 2015 và tiếp tục nâng lên mức 85% từ năm 2018, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng thu ngân sách năm 2016 thêm hơn 2.900 tỷ đồng và năm 2018 là 7.700 tỷ đồng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay.

Trước những đề xuất về việc tăng mạnh thuế suất thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, nếu nâng mức thuế vào thời điểm hiện nay thì tình trạng buôn lậu sẽ càng gia tăng. Vì vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể giảm bởi vậy, Hiệp hội đưa ra phương án tăng thuế suất khoảng 5%.

Khảo sát của Trung tâm Thuế và đầu tư quốc tế phối hợp với Tổ chức Oxford Economics năm 2012 cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất Châu Á và có lượng tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ hai trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát. Riêng năm 2013, tổng số thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỷ điếu, gồm 87,8 tỷ điếu hợp pháp và 17 tỷ điếu nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần và gây thất thu lớn cho NSNN. Ước tính, NSNN đã thất thu 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD năm 2013, bằng 42% tổng đóng góp vào NSNN của toàn ngành công nghiệp thuốc lá.

Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, hiện nay 90% thuốc lá lậu là Hero và Jet. Việc tiêu thụ trót lọt mỗi bao thuốc lá này đem lại lợi nhuận gấp 30 lần một bao thuốc sản xuất nội địa. Hiệp hội đã kiến nghị Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các quốc gia có chung đường biên giới để góp phần nâng cao năng lực chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng cần kiểm soát ngay cả những người bán lẻ thuốc lá lậu. Để ngăn ngừa hoạt động buôn lậu thuốc lá gây thất thu lớn cho NSNN, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, cần quản lý tốt thị trường bán lẻ có thể giúp tăng hiệu quả của công tác chống hàng lậu. Hiện công tác chống buôn lậu thường tập trung ở đường biên nhưng lại chưa chặt trong nội địa. Nếu công tác này được đồng bộ thì việc tăng thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá sẽ không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Trước những đề xuất xung quanh việc điều chỉnh thuế suất với mặt hàng thuốc lá, cũng như siết chặt hoạt động buôn lậu với mặt hàng này cơ quan chức năng cần cân nhắc, đưa ra giải pháp phù hợp để không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân và làm thất thu NSNN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế thuốc lá: Tăng thuế và chống buôn lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.