Sức khỏe

Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử

Thu Trang 23/03/2024 - 06:58

Tại hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế tổ chức ngày 22-3, các chuyên gia đã dẫn chứng về hàng loạt các tác hại không ngờ của thuốc lá điện tử. Do đó, đề xuất được đưa ra là phải cấm ngay thuốc lá điện tử, thuốc lá mới... tại nước ta.

thuoc-la.jpg
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Nhiều tác hại không ngờ

Năm 2023, Trường Đại học Y tế công cộng đã có một khảo sát khối học sinh từ lớp 6 đến 12 ở 11 tỉnh, thành phố cho thấy, sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tập trung cao ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%; nhóm 25-44 tuổi là 3,2%; nhóm 45-64 tuổi là 1,4%.

Theo Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi đây là sản phẩm tốt hơn với sức khỏe so với thuốc lá điếu. Trong khi cơ chế vận hành, tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự giảm hơn so với thuốc lá truyền thống.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có 3 nhóm chất nguy cơ gây hại đối với sức khỏe trong thuốc lá điện tử, gồm: Nicotine, các hóa chất phụ gia và ma túy. Một hóa chất rất độc phải kể đến đầu tiên là nicotine. Trước đây, chất này được sử dụng trong thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật nhưng do độc tính cao nên đã bị cấm tại nhiều quốc gia.

“Một chất độc hại bị cấm sử dụng trong thuốc trừ sâu, nhưng lại có trong thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao gấp rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống. Khi dùng thuốc lá nhiều nicotine gây độc với tim mạch, gồm: Xơ vữa mạch máu, hẹp lòng mạch, co thắt mạch máu, gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp hay ảnh hưởng đến hô hấp gây giãn phế nang, co thắt phế quản, thậm chí tác động đến thần kinh…”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên dẫn chứng.

Ngoài nicotine, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn chứa hàng nghìn hương liệu, hóa chất hương liệu, rồi các chất phụ gia khác... Điều đáng nói là nhiều hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, tăng nguy cơ đái tháo đường… Khi hút thuốc lá điện tử, một người trẻ mười mấy tuổi cũng có thể mắc những bệnh của người già như: Tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử là môi trường thuận lợi để ma túy, cần sa thế hệ mới trà trộn vào. Thậm chí, có hàng trăm loại cần sa, ma túy thế hệ mới trà trộn vào thuốc lá điện tử và rất khó phát hiện.

Cần ngăn chặn không để ảnh hưởng giới trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hiện tại có rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... đã cấm thuốc lá điện tử vì mối nguy hại của nó. Thậm chí, Trung Quốc là đất nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới cũng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10-2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).

“Việt Nam cần hành động cấm ngay thuốc lá điện tử. Bởi vì việc cho phép lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên. Trong khi đó, việc thu thuế từ thuốc lá điện tử mang lại cho Nhà nước không đáng kể nếu tính toán, so với chi phí gánh nặng bệnh tật, suy giảm phát triển kinh tế do sức khỏe người dân bị giảm sút, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi, môi trường, nguồn lực Nhà nước phải đầu tư cho y tế, môi trường...”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, theo khuyến cáo của WHO, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Do đó, nếu không được ngăn chặn hiệu quả sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine, đồng thời nhấn chìm những kết quả của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng đề xuất, Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam, đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Từ các ý kiến đóng góp tại hội thảo, theo Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Bộ Y tế sẽ có dự thảo văn bản trình Chính phủ và trình Quốc hội để sớm có biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thông qua việc ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Ngoài nicotine, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có hàng nghìn hóa chất độc hại và hơn 16.000 loại hóa chất tạo hương vị như mùi bạc hà, socola, trái cây… để giảm độ gắt của nicotine, làm cho sản phẩm dễ sử dụng hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.