Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường kết nối “xanh” từ du lịch nông nghiệp

Linh Tâm| 22/12/2022 13:58

(HNMO) - Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có các đô thị miệt vườn mang nét đặc trưng của vùng sông nước với sự đa dạng văn hóa, khí hậu thuận hòa, cây trái tươi tốt và những người dân thân thiện, hiếu khách. Trong xu hướng phát triển hiện nay, du lịch nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu ở các địa phương, trong đó có Hà Nội. Vì thế, việc liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như đưa khách đến theo hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn mang lại những đổi thay tích cực tại vùng đất này.

Đoàn khảo sát đạp xe, trải nghiệm tìm hiểu cuộc sống của người miền Tây tại cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Sức hấp dẫn từ miệt vườn

Những đặc điểm tương đồng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, sông ngòi... đã tạo nên bản sắc riêng cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đây cũng là hạn chế khiến các địa phương lúng túng trong việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tránh sự trùng lặp. Sớm nhận thức được điều này, một số tỉnh trong vùng đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm độc đáo, khác biệt dựa trên lợi thế sẵn có của mình để thu hút khách, điển hình như các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ...

Du khách thăm nhà cổ ở Vĩnh Long.

Đoàn khảo sát đạp xe, trải nghiệm tìm hiểu cuộc sống của người miền Tây tại cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Đến với Vĩnh Long, ngoài chợ nổi Trà Ôn, Văn Thánh miếu, chùa Phước Hậu..., du khách có thể trải nghiệm đi thuyền dọc theo các con sông Long Hồ, Mang Thít, Cái Chiên ngắm nhìn những ngôi nhà gốm, lò gốm ẩn hiện sau những rặng dừa, rừng bần xanh mướt và đặc biệt là “Vương quốc gạch đỏ” Mang Thít - nơi từng là trung tâm sản xuất gạch gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nay đã trở thành một di sản đương đại độc nhất vô nhị.

Một trải nghiệm ấn tượng không nên bỏ qua là nghỉ đêm tại homestay Út Trinh (ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), thưởng thức ẩm thực địa phương, đốt đèn dầu nghe đờn ca tài tử trong ngôi nhà cổ. Trải nghiệm này không chỉ mang lại sự tò mò, thích thú mà còn giúp du khách hòa mình vào lối sống nông nghiệp dân dã, qua đó cảm nhận rõ hơn “mạch ngầm” văn hóa bản địa đã được người Vĩnh Long bảo tồn, gìn giữ suốt bao đời nay.

Từ Vĩnh Long đến Bến Tre không tốn quá nhiều thời gian bởi giao thông đường bộ và đường thủy khá thuận lợi. Trong tâm thức của nhiều người, Bến Tre gắn với hình ảnh “xứ dừa”, với những cô gái “tóc dài bay trong gió”. Nhưng ngày nay, Bến Tre còn là một trong những “vựa” hoa, cây cảnh lớn nhất nhì vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hình thành cách đây hơn một thế kỷ, làng hoa, cây kiểng Chợ Lách kéo dài qua địa bàn 4 xã Vĩnh Thành, Long Thới, Vĩnh Hòa, Phú Sơn của huyện Chợ Lách, với tổng diện tích 1.490ha, hiện có hơn 6.000 hộ theo nghề truyền thống. Mỗi năm, nơi đây sản xuất hàng chục triệu sản phẩm phục vụ thị trường, trong đó được ưa chuộng nhất là hoa giấy kiểng, cúc mâm xôi, vạn thọ, mai vàng... Cũng nhờ sự sáng tạo và khéo léo của các nghệ nhân để tạo nên các sản phẩm độc đáo cùng khung cảnh nên thơ, làng hoa, cây kiểng Chợ Lách đã trở thành điểm check-in hấp dẫn với nhiều du khách.

Trải nghiệm làm bánh dân gian tại cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Đến với Đồng bằng sông Cửu Long, du khách chắc chắn không thể bỏ qua trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống của người dân Tây Nam Bộ thông qua các điểm du lịch cộng đồng sinh thái.

Với cách làm bài bản và được quy hoạch bền vững, các điểm du lịch Cồn Hô và Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh) không chỉ là điểm đến lý tưởng với khách nội địa mà đặc biệt được du khách quốc tế ưa chuộng.

Từ những hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện lưới, người dân và chính quyền địa phương đã biến khó khăn thành cơ hội, xây dựng hai cồn đất này trở thành những điểm du lịch cộng đồng sinh thái “hot” nhất vùng.

Du khách đến với cồn Hô (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh).

Tăng cường kết nối để “bứt tốc” 

Với những cách làm có sự tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng nên những sản phẩm khác biệt, có thể thấy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang đi đúng hướng để tránh sự trùng lặp giữa các địa phương, qua đó thu hút đối tượng khách từ nhiều thị trường. Cách làm này cũng cho thấy mục tiêu hướng tới sự bền vững được người dân và chính quyền địa phương đặt lên cao nhất khi xây dựng các sản phẩm chú trọng bảo vệ môi trường.

Theo ông Đỗ Đình Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, đây là yếu tố quan trọng để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, mang bản sắc của từng địa phương và cả vùng; từ đó tạo ra giá trị cho điểm đến.

“Doanh nghiệp chỉ là những “đầu bếp” trong việc xây dựng sản phẩm. Họ cần có nguồn nguyên liệu chất lượng do các địa phương, điểm đến cung cấp để “chế biến” thành những sản phẩm hấp dẫn, đa dạng. Điều này đòi hỏi có sự vào cuộc, chung tay của cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân tại điểm đến. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải ý thức được rằng, muốn thu hút khách, phải liên kết để xây dựng các chuỗi sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến quảng bá với Hà Nội để mở rộng thị trường khách đến”, ông Cương nói.  

Đoàn khảo sát thăm Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Công tác liên kết xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá là một trong những hoạt động quan trọng được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp thường xuyên với các địa phương, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây nhất là chương trình khảo sát miền Tây tại 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và đại diện các phòng văn hóa - thông tin của một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. 

Đoàn khảo sát thăm Làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ứng Hòa Phạm Nam Tiến chia sẻ: “Chuyến khảo sát lần này đã gợi ý cho chúng tôi khá nhiều ý tưởng trong việc xây dựng đề án Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Ứng Hòa, nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 73 của UBND thành phố Hà Nội”. 

Sau những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là năm “bứt tốc” của ngành Du lịch và các địa phương, đặc biệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định việc liên kết với các địa phương là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch phát triển và tạo ra những sản phẩm mới, hay, hấp dẫn cho du khách, đặc biệt là du khách Thủ đô. Xu hướng du lịch trong thời gian tới sẽ thiên về loại hình trải nghiệm, khám phá nên Sở đã tổ chức đoàn khảo sát bao gồm một số công ty lữ hành quan tâm đến thị trường miền Tây, các sở, ban, ngành có liên quan và đặc biệt là các quận, huyện có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.

Theo Kế hoạch số 73 của UBND thành phố Hà Nội, mỗi địa phương sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, dựa trên điều kiện sẵn có để thu hút du khách vào dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ ngắn ngày. Đặc biệt là các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn mà thành phố đang chú trọng, đẩy mạnh phát triển...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường kết nối “xanh” từ du lịch nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.