Du lịch

“Lực đẩy” mới cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Linh Tâm 05/08/2024 - 09:00

Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) bao gồm 13 tỉnh, thành phố, được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu ôn hòa, con người hào sảng cùng văn hóa Nam Bộ độc đáo. Tiềm năng du lịch của khu vực này rất lớn, tuy nhiên chưa được khai thác, phát triển tương xứng. Việc liên kết, đưa khách từ Hà Nội và khu vực phía Bắc vào Tây Nam Bộ được cho là “lực đẩy” mạnh mẽ có thể góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế du lịch vùng.

z5682366373238_f7d7069d90bb132124077c1e37a48544.jpg
Đoàn khảo sát của Hà Nội trải nghiệm, khám phá Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh).

Về đất phương Nam

Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng châu thổ sông Mekong, có diện tích hơn 40.000km2, dân số gần 18 triệu người (năm 2022). Được thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất này sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng sinh học độc đáo với những khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ; hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc và những miệt vườn trĩu nặng hoa trái, tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mang nét đặc trưng của vùng đất ở cực Nam của Tổ quốc.

Có bề dày lịch sử hàng trăm năm, Đồng bằng sông Cửu Long tích tụ trong mình bao tinh hoa văn hóa, thể hiện qua hệ thống di sản văn hóa phi vật thể mang nét đặc trưng của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Nơi đây được biết đến với các lễ hội dân gian truyền thống độc đáo như Lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Ok Om Bok (Trà Vinh và Sóc Trăng), Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Bến Tre)... Các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như cải lương, các điệu lý, hò hay các điệu múa truyền thống của đồng bào Chăm, Khmer là những “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân. Đặc biệt phải kể tới nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013.

Tất cả những điểm mạnh ấy đã tạo nên sức hấp dẫn và nét duyên dáng chỉ có ở 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ, đồng thời khẳng định vị thế là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, Đồng bằng sông Cửu Long đón gần 30 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. So với hơn 75 triệu lượt khách Việt Nam đón trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ khách của vùng Tây Nam Bộ chiếm khoảng 40% tổng lượng khách của cả nước. Con số này cho thấy tầm quan trọng của ngành Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.

Tạo “sân chơi chung” cho các địa phương

Bên cạnh những thuận lợi và tiềm năng phong phú, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cũng đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch cũ và trùng lặp... Theo nhiều doanh nghiệp du lịch phía Bắc, bất cập lớn nhất là tính liên kết chưa cao, hiệu quả của công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm thấp khiến cho việc khai thác, phát triển du lịch vùng chưa tương xứng với tiềm năng.

Đề cập đến tầm quan trọng của sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng: Hiệu quả của việc liên kết phải được thể hiện ở số lượng khách nhiều, doanh thu tăng. Muốn vậy, các địa phương cần đẩy mạnh hợp tác hai chiều trong việc đưa khách tới, biến sản phẩm du lịch trở thành một loại hàng hóa có giá trị. Song song với đó là sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch, hội nghề nghiệp để việc liên kết, hợp tác ngày càng thực chất và có chiều sâu.

Mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và khu vực phía Bắc, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Đồng bằng sông Cửu Long Vũ Trường Thái Bảo đề xuất, Hà Nội cần tăng cường đầu mối cung cấp thông tin, dịch vụ sản phẩm du lịch đêm để các doanh nghiệp vùng Tây Nam Bộ làm mới sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, ngành hàng không cần có những chế độ, chính sách giảm giá vé máy bay (hiện chiếm tới 60% tổng giá tour), tăng tần suất chuyến bay để xây dựng những sản phẩm với giá cả phù hợp nhằm khuyến khích khách đi lại hai chiều.

Để tạo “sân chơi chung” gắn kết doanh nghiệp du lịch của các địa phương, đồng thời cụ thể hóa các hoạt động liên kết, phát triển du lịch trong thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, Hà Nội sẽ đồng hành cùng các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai một số nội dung như tiếp tục tổ chức các đoàn famtrip, presstrip; tăng cường kết nối doanh nghiệp và các sản phẩm đã có, hoàn thiện việc xây dựng sản phẩm trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu của khách... “Việc kết nối với các địa phương được chúng tôi đặt lên ưu tiên hàng đầu. Các địa phương cần tích cực phối hợp trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến của mình. Chúng tôi sẽ là “cầu nối” trong việc truyền thông quảng bá, liên kết các tỉnh, thành phố với phương châm: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Các tỉnh, thành cần chung tay để có một chiến lược quảng bá chung thu hút khách nước ngoài đến với các địa phương và Việt Nam” - bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lực đẩy” mới cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.