Những năm qua, các làng nghề ở Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại việc làm, thu nhập cao cho người lao động và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy vậy, các làng nghề cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhằm tiếp tục hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp tháo gỡ vấn đề trên.
Thu nhập cao nhưng còn ô nhiễm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu. Các làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, đặc biệt là thu hút lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Các sản phẩm làng nghề nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Ước tính, trung bình mỗi năm, tổng doanh thu của các làng nghề trên địa bàn thành phố đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; làng nghề cơ khí nông cụ xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân của người lao động tại làng nghề đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Tuy vậy, các làng nghề ở Hà Nội đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như: Mặt bằng sản xuất chật hẹp; thiết bị công nghệ lạc hậu; quy mô sản xuất theo tính chất hộ gia đình là chủ yếu nên chưa có phương án tổ chức sản xuất hiệu quả; gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ năm 2017-2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm, 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
“Nước thải của số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn đều xả thẳng ra môi trường với độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.
Bên cạnh nước thải, trong quá trình sản xuất, nhiều làng nghề còn phát sinh chất thải rắn như: Nghề tái chế phế liệu ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); nghề may ở xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ); nghề da giày ở xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên)… Trong khi đó, do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao, từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg, nên vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan khu vực nông thôn.
Thiết thực hỗ trợ làng nghề
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, một số địa phương có làng nghề và hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề đã chủ động tìm giải pháp tháo gỡ. Huyện Thạch Thất là địa phương có nhiều làng nghề đã đẩy mạnh xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 187,5ha, thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ làng nghề vào đầu tư.
Với huyện Hoài Đức, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.
Bên cạnh sự chủ động ứng phó với khó khăn từ các cơ sở sản xuất và địa phương có nghề, để hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn, các sở, ngành thành phố cũng đã có những hỗ trợ thiết thực. Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn xử lý bụi và khí thải cho làng nghề sản xuất, chế biến gỗ tại các xã có nghề mộc của huyện Thạch Thất. Sở Công Thương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.
Trong vai trò là đơn vị đầu mối tham mưu cho thành phố về quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã tổ chức hội thảo liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội thảo đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các làng nghề như: Thời gian tới, thành phố tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm thải chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả cho đơn vị sản xuất.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các hộ làm nghề, hy vọng làng nghề Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh và duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.