Làng nghề Hà Nội đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, Hà Nội đã và đang triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, đưa một số làng nghề gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của làng nghề, giúp sản phẩm thủ công Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.
Điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa
- Trước hết, xin đồng chí đánh giá về tiềm năng, lợi thế của làng nghề Hà Nội, nhất là các làng nghề thủ công truyền thống?
- Làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, giúp cuộc sống của các hộ dân ấm no, mà còn ẩn chứa rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo.
Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước; trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người dân nông thôn. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đã và đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố…
- Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động để đưa các làng nghề truyền thống gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Vậy, Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới là gì và việc gia nhập mạng lưới này có ý nghĩa như thế nào đối với các làng nghề Hà Nội?
- Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, làng nghề là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế khi tham quan Thủ đô. Sản phẩm làng nghề là thông điệp của văn hóa, lịch sử, con người mà Thủ đô muốn quảng bá tới người tiêu dùng.
Hội đồng Thủ công thế giới (WCC) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Hội đồng Thủ công thế giới hoạt động theo tôn chỉ trao quyền cho các nghệ nhân, tôn vinh sự đa dạng văn hóa, góp phần phát triển bền vững và bảo tồn các nghề thủ công đang suy yếu khỏi bị tuyệt chủng, thông qua nỗ lực hợp tác với nghệ nhân và các bên liên quan trên toàn thế giới. Đến nay, Hội đồng Thủ công thế giới đã công nhận được 68 làng nghề từ các thành phố trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 do Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội đồng tổ chức, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết 2 biên bản ghi nhớ với Hội đồng Thủ công thế giới và Trường Thiết kế - Đại học Lund (Thụy Điển). Riêng với Hội đồng Thủ công thế giới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều nội dung, trong đó có việc xây dựng kế hoạch nâng cấp các làng nghề để trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới...
Trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới sẽ góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu, giá trị của các làng nghề, giúp làng nghề thành phố Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững. Các hộ sản xuất tại làng nghề tham gia mạng lưới cũng được nâng cao kiến thức về sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề với các nước trên thế giới...
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế
- Hà Nội đã triển khai các bước để đưa làng nghề trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới ra sao, thưa đồng chí?
- Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức khảo sát, đánh giá và lựa chọn được 5 làng nghề có tiềm năng, đáp ứng các tiêu chí để gia nhập thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới và đã nộp hồ sơ lên Hội đồng Thủ công thế giới. Đó là các làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); nón Chuông (huyện Thanh Oai); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); mây, tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Đây là những làng nghề nổi bật không chỉ nhờ sản phẩm thủ công độc đáo, mà còn bởi giá trị lịch sử, truyền thống lâu đời và sự đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề này không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong 5 làng nghề nộp hồ sơ, Ban Chấp hành Hội đồng Thủ công thế giới đã phê duyệt đơn đề cử làng nghề Bát Tràng là Thành phố thủ công thế giới về gốm sứ và làng nghề Vạn Phúc là Thành phố thủ công thế giới về nghề tơ lụa. Mới đây, Hội đồng giám khảo quốc tế của Hội đồng Thủ công thế giới và Sở NN&PTNT Hà Nội đã khảo sát, đánh giá các tiêu chí để xem xét công nhận 2 làng nghề này trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
- Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả khảo sát của Hội đồng Thủ công thế giới tại làng nghề Bát Tràng và làng nghề Vạn Phúc?
- Qua làm việc và trải nghiệm thực tế, Hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao những giá trị độc đáo của làng nghề Bát Tràng và làng nghề Vạn Phúc, từ văn hóa, lịch sử đến kinh tế và tác động xã hội. Tại Bát Tràng, Đoàn đánh giá cao những giá trị độc đáo của làng nghề và cho rằng, Bát Tràng không chỉ hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một làng nghề truyền thống, mà còn xứng đáng trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Còn tại làng Vạn Phúc, Đoàn đã biểu dương phân khúc dệt thủ công của làng, nhất là trong lĩnh vực tạo mẫu dệt. Tuy nhiên, để tiến xa hơn trong mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới, làng nghề Vạn Phúc cần xây dựng một bảo tàng nghề, nơi lưu giữ nhiều tư liệu giá trị liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển, đồng thời tôn vinh những nghệ nhân xuất sắc. Hội đồng cũng ghi nhận, các nghệ nhân trong làng đã khéo léo áp dụng công nghệ vào quy trình tạo mẫu thủ công. Để phát huy tiềm năng, làng nên mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế cũng như xây dựng một hệ sinh thái làng nghề hoàn chỉnh.
Việc công nhận các làng nghề của Hà Nội là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới không chỉ là niềm tự hào cho địa phương, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng nông thôn Hà Nội.
- Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai các chương trình hợp tác quốc tế để thúc đẩy làng nghề hội nhập ra sao, thưa đồng chí?
- Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, UBND thành phố đã và đang xem xét, phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050”, trong đó ưu tiên các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế, nhằm giúp các làng nghề truyền thống mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn; đồng thời quảng bá giá trị văn hóa, giúp sản phẩm làng nghề vươn tầm quốc tế.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới, nhằm thúc đẩy quảng bá sản phẩm làng nghề, phát triển mạng lưới đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất của các làng nghề. Đặc biệt, các sản phẩm của làng nghề sẽ có cơ hội tham gia các triển lãm lớn trên thế giới, tạo điều kiện để làng nghề thủ công Hà Nội tiếp cận với các thị trường quốc tế và khẳng định giá trị thương hiệu.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.