(HNMO) - Trên cơ sở hiệu quả từ việc thí điểm mô hình xe điện vận chuyển khách du lịch trong khu vực phố cổ, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu mở rộng tại một số địa điểm du lịch khác. Tuy nhiên, thành phố sẽ siết chặt các điều kiện về kinh doanh vận tải để bảo đảm loại phương tiện này đáp ứng các tiêu chí về an toàn giao thông, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Hiệu quả trong quá trình thí điểm
Xe điện là một trong những phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến ở các thành phố phát triển du lịch bởi những lợi thế như: Hạn chế tối đa lượng khí thải ra môi trường; tiết kiệm nhiên liệu; hạn chế ô nhiễm tiếng ồn; ít xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông…
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, loại hình xe điện được UBND thành phố Hà Nội cho phép thí điểm hoạt động trong khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm phục vụ du lịch từ tháng 6-2010. Từ 20 xe ban đầu do Công ty cổ phần Đồng Xuân vận hành, đến nay, toàn thành phố đã có 88 phương tiện thuộc 5 doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại 3 khu vực, với 7 tuyến.
Loại phương tiện này được nhiều người đánh giá là an toàn, thoáng mát; các điểm dừng, đón trả khách được bố trí phù hợp, giúp du khách có thể tiếp cận các điểm du lịch một cách thuận tiện.
Qua thời gian thí điểm, các cơ quan chức năng đánh giá, xe điện trong khu vực phố cổ đã từng bước khắc phục tình trạng “cò mồi”, chèo kéo khách du lịch, giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới hơn 67% người được phỏng vấn có nhu cầu sử dụng xe điện làm phương tiện tham quan tại Hà Nội.
Siết chặt điều kiện hoạt động để nhân rộng mô hình
Từ những hiệu quả trong quá trình thí điểm, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến Đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.
Tại đề án, đơn vị này đưa ra một số giải pháp nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý và bảo đảm an toàn trong hoạt động của xe điện.
Cụ thể, đối với hạ tầng, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất điểm đầu - cuối tuyến của xe điện phải có đủ diện tích cho xe quay đầu, đỗ xe bảo đảm an toàn giao thông; có bảng thông tin (tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến…).
Đặc biệt, đơn vị phải đăng ký màu sơn, logo và niêm yết giá cước, số điện thoại của đơn vị trên xe để hành khách biết; phải có camera giám sát hành trình để sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra khi có yêu cầu.
Đại diện đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm, ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, với điểm mạnh là không gian mở, khách du lịch có thể trực tiếp tiếp cận với không khí, không gian văn hóa, kiến trúc của khu phố cổ nên xe điện tạo ra sức hút lớn đối với khách du lịch.
Từ 20 xe ban đầu hoạt động chủ yếu trong khu phố cổ, đến nay, đơn vị đã mở rộng quy mô lên 40 xe và triển khai thêm các tour tham quan khu phố cũ, phố nghề, làng nghề, khu phố Pháp.
Trong giai đoạn 2010-2019, công ty đã phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó 70% là người nước ngoài.
Đề cập những quy định mới trong đề án đang được đưa ra lấy ý kiến, đại diện Công ty cổ phần Đồng Xuân cho rằng, về việc lắp camera hành trình, công ty đã có thiết bị GPS định vị ngay từ năm 2010. Việc lắp thiết bị phục vụ giám sát hành trình hoạt động là nội dung rất cần thiết, giúp doanh nghiệp kiểm soát hoạt động của lái xe, phương tiện.
Với đề xuất về hạ tầng riêng cho xe điện, công ty cho rằng, xe điện hiện nay đang chủ yếu hoạt động trong khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Để chuẩn bị hạ tầng riêng cũng rất tốn kém và mất thời gian khi mới chỉ ở bước thí điểm.
Đồng tình với đề xuất của Hà Nội, song theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông - Vận tải, song song với yêu cầu về chất lượng (đăng kiểm đúng quy định, trang thiết bị bảo đảm an toàn trên xe), vấn đề hạ tầng cần phải được “chuẩn hóa”. Xe điện 4 bánh phải có điểm dừng, đỗ để trả khách (giữa tuyến) và quy định cụ thể khung thời gian dừng tối thiểu - tối đa...
Tại Đề án về “Xây dựng quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội” đang lấy ý kiến, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất tuyến đường xe điện hoạt động phải có mặt đường rộng tối thiểu 3,5m.
Cùng với đó, đơn vị này đưa ra 8 địa điểm, khu du lịch có thể triển khai loại hình xe điện chở người, gồm: Vườn quốc gia Ba Vì; Làng cổ Đường Lâm; Chùa Hương; Làng nghề gốm sứ Bát Tràng; Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Thiên Sơn - Suối Ngà; Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.