Xe++

Hạ tầng dịch vụ trạm sạc xe điện nhiều tiềm năng phát triển

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 04/04/2024 - 10:46

Thị trường ô tô điện nhiều tiềm năng của Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ không chỉ các nhà sản xuất mà cả những doanh nghiệp bên thứ ba tìm kiếm cơ hội qua cung cấp dịch vụ và thiết bị sạc.

lnh00696.jpg
Trạm sạc mới lắp đặt của Audi tại Phú Mỹ Hưng (thành phố Hồ Chí Minh).

Chỉ trong vài năm, thị trường xe điện Việt Nam phát triển nhanh chóng, với hàng loạt lựa chọn đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá thành. Người tiêu dùng lúc này nhìn nhận xe điện rất tích cực, coi đây không chỉ là phương tiện di chuyển xanh, sạch, mà còn là giải pháp giao thông thông minh nhiều tiện nghi. Từ giữa năm 2023, làn sóng đổ bộ của các dòng xe Trung Quốc - với nhiều lựa chọn ô tô điện - càng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chơi mới.

Tiềm năng dồi dào đã thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ về hạ tầng sạc. VinFast - cái tên nổi bật trên thị trường ô tô điện trong nước - đang hướng tới mục tiêu cả nước có khoảng 150.000 cổng sạc độc quyền, phủ khắp 63 tỉnh, thành. Ngoài các loại trụ sạc phổ thông, VinFast đang thử nghiệm trụ sạc mới (tại Đà Nẵng) với công suất tới 360kW. Hãng xe Việt mới đây cũng tách hẳn bộ phận phát triển trạm sạc thành một công ty riêng, có tên gọi V-GREEN, đặt nhiều tham vọng phát triển mới.

Các nhà sản xuất ô tô khác dĩ nhiên không ngồi yên. Chỉ ít lâu sau khi khánh thành khu phức hợp phục vụ người dùng ô tô điện tại quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh), Audi Việt Nam cuối tháng 3 đã mở thêm một phòng trưng bày đô thị (City Showroom) định hướng phục vụ xe điện đặt tại Phú Mỹ Hưng.

Đây cũng là cơ sở dịch vụ đầu tiên của Audi trang bị hệ thống sạc nhanh một chiều (DC) công suất 160kW phục vụ cho các dòng xe điện. Audi Việt Nam cho biết, mô hình mới sẽ được nhân rộng ra các thành phố lớn có đủ điều kiện kỹ thuật hỗ trợ và đủ dung lượng khách hàng.

Trạm sạc Porsche Studio tại Ba Đình (Hà Nội).
Trạm sạc Porsche Studio tại Ba Đình (Hà Nội).

Tương tự, trung tâm dịch vụ mới đi vào hoạt động của Land Rover tại Long Biên (Hà Nội) đã "đi tắt đón đầu" với đầy đủ hạ tầng sạc, dù hãng xe Anh quốc chưa bán ra bất cứ mẫu xe thuần điện nào ở thị trường trong nước.

Về phần mình, Porsche tiếp tục vận hành rất hiệu quả mô hình “phòng chờ”. Porsche Studio tại Hà Nội với trạm sạc điện xoay chiều (AC) công suất 22kW, có cả không gian nghỉ ngơi phục vụ người dùng chờ sạc xe.

Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, đã có kế hoạch triển khai mô hình "phòng chờ" theo cách tương tự, đồng thời tiếp tục thảo luận với các đối tác để khuyến khích các đại lý, khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) triển khai hạ tầng trạm sạc… phục vụ người sử dụng xe điện EQ. BMW, Volvo, Hyundai… cũng đang gấp rút triển khai dịch vụ sạc tại hệ thống đại lý để phục vụ khách mua xe.

Dĩ nhiên, bài toán trạm sạc không chỉ dừng lại ở các nhà sản xuất xe. Nhìn thấy mảnh đất nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp thứ ba cũng đã có những bước đi nhất định trên sân chơi mới. Trong tháng 4-2024, sẽ có trên 40 trạm sạc của EV ONE đi vào hoạt động.

Theo Giám đốc điều hành EV ONE Huỳnh Tiến Đạt, mặc dù hoạt động kinh doanh trạm sạc và các dịch vụ liên quan tại Việt Nam vào lúc này chưa đem lại doanh thu đáng kể, nhưng tiềm năng lớn của thị trường xe điện khiến việc “chuẩn bị cho sự bùng nổ” là rất quan trọng.

“Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã có chính sách điện khí hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải với lộ trình cụ thể” - ông Đạt nhấn mạnh.

lnh00650.jpg
Các vị trí trạm sạc ô tô điện được EV ONE triển khai trên toàn quốc.

Hiện nay, EV ONE không chỉ tự cung cấp trạm sạc mà còn hướng đến mô hình dịch vụ “trọn gói” phục vụ các đối tác như siêu thị, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị… có nhu cầu. Hiện nay, hạ tầng sạc xe điện còn được nhiều cơ sở dịch vụ coi là mũi nhọn giá trị gia tăng thu hút khách hàng. Tại Nha Trang, Vũng Tàu..., không khó để bắt gặp các khách sạn tích cực quảng bá sạc ô tô miễn phí cho khách lưu trú.

Có thể khẳng định, song hành với thị trường ô tô điện, thị trường hạ tầng sạc có nhiều tiềm năng. Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam hiện rất thuận lợi cho triển khai hạ tầng trạm sạc ô tô điện, có thể kể đến như: Các công nghệ liên quan rất phát triển; người tiêu dùng ưa thích công nghệ mới, đồng thời rất quen thuộc với ứng dụng di động và các hình thức thanh toán không tiền mặt...

Tuy nhiên, nỗ lực “phủ” hạ tầng trạm sạc lúc này cũng vấp một số rào cản. Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, thứ nhất là chi phí đầu tư còn cao, nhất là nếu các đơn vị muốn đảm bảo thiết bị đạt đủ tiêu chuẩn an toàn. Thứ hai là nguồn điện ở một số địa điểm mong muốn lắp đặt trạm sạc chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến việc hạ thế hoặc kéo dây trở nên rất tốn kém. Thứ ba là việc chưa có một khung pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng sạc, nhiều hãng xe điện còn dè dặt với các giải pháp sạc của bên thứ ba... dẫn đến các đơn vị muốn tham gia lĩnh vực này còn nhiều lúng túng.

Một số ý kiến cũng tỏ ra tiếc nuối thực tế hiện nay là, ngoài VinFast tự lắp ráp trạm sạc phục vụ nhu cầu riêng, chưa có nhà cung cấp nội địa về trạm sạc, nên hầu hết các doanh nghiệp bên thứ ba đều phải hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài. Nhiều đơn vị cũng mong muốn sớm có khung chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để khuyến khích các nhà đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành trạm sạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng dịch vụ trạm sạc xe điện nhiều tiềm năng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.