Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Kiểm soát an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất

Ngọc Quỳnh| 29/04/2022 17:53

(HNMO) - Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường; đồng thời triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15-4 đến 15-5), ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biết nông, lâm, thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và hướng dẫn, triển khai các giải pháp khắc phục.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra an toàn thực phẩm tại quận Hà Đông.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp đã và sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng chuỗi liên kết kiểm soát chất lượng nông sản...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, Ứng Hòa tập trung nguồn lực xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Trong đó có việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với thương hiệu gạo chất lượng cao Khu Cháy (lúa J02); hình thành vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung tại các xã: Trung Tú, Phương Tú, Hòa Lâm, Trầm Lộng... Phát triển các mô hình rau màu, dưa lưới trong nhà kính, chăn nuôi lợn ở xã Vạn Thái, nuôi gà ở xã Sơn Công, Trang trại bò 3B tại xã Viên Nội...

Còn Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tăng cường lấy mẫu kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Kết quả xét nghiệm 34 mẫu nông, lâm, thủy sản vừa qua đều bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều thách thức vì địa bàn rộng, lại có một lượng lớn nông sản, thực phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội mỗi ngày.

Trong quý I-2022, các lực lượng chức năng của ngành Nông nghiệp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư và sản phẩm nông nghiệp, phát hiện 9 cơ sở có hành vi vi phạm, xử phạt với 156 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Khắc Diến cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Về tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ, vệ sinh thú y, vật tư nông nghiệp…, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, quý I-2022, trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra 1.419 lượt cơ sở; thực hiện cảnh cáo 16 trường hợp; kiến nghị xử phạt 53 trường hợp với tổng số tiền gần 208 triệu đồng và tiêu hủy 1.561kg động vật và sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. 

Hà Nội tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn để kiểm soát chất lượng.

Bảo đảm an toàn từ nơi sản xuất

Để quản lý chặt chẽ các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan đề xuất, cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thành phố cần hỗ trợ nguồn vốn cho các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm với lãi suất ưu đãi; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản nhỏ lẻ, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trên địa bàn huyện có 2.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, cùng với việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thường Tín tập trung thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Mặt khác, huyện chú trọng các giải pháp phát triển nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết để kiểm soát chất lượng từ nơi sản xuất đến bàn ăn.

Nhận định, an toàn thực phẩm trong giai đoạn nào cũng hết sức quan trọng, bởi chất lượng hàng hóa, nông sản liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong Tháng hành động, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các chương trình liên kết vùng và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm mới phát sinh; bao gồm cả các hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung khắc phục hạn chế; đồng thời vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Kiểm soát an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.