An toàn thực phẩm

Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản

Quỳnh Dung 23/09/2023 - 06:39

Hà Nội là địa phương tiêu thụ lượng lớn nông sản, thực phẩm nhưng ngành Nông nghiệp của thành phố mới đáp ứng được hơn 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác.

Để cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ những mặt hàng bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cùng với việc kết nối nguồn cung, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

kiem-tra.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh tôm trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Khó khăn trong kiểm soát chất lượng

Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị của ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại gần 200 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đoàn thanh tra đã xử phạt hơn 140 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, thị xã xử phạt gần 210 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm về kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nói về nguyên nhân của tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện việc sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống; chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện. Vì vậy, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và vấn đề an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để ở tất cả các khâu, nhất là từ sản xuất đến chế biến.

Bên cạnh đó, giá nông sản bấp bênh, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm khiến đầu ra không ổn định, thiếu bền vững. Người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Hiện tại, việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, song trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là do tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, mặc dù thành phố đã phân cấp trong quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhưng việc thanh, kiểm tra ở lĩnh vực này ở một số địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, dẫn đến số cơ sở vi phạm còn ở mức cao. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp, nhất là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công.

Phát triển nông nghiệp theo chuỗi

Để tăng cường công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, trong thời gian tới, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để người nâng cao ý thức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong khi đó, người tiêu dùng có kiến thức đúng về an toàn thực phẩm. Huyện cũng chỉ đạo đoàn liên ngành của các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý, xử phạt nghiêm những trường hợp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện yêu cầu các cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã, thị trấn những trường hợp không chấp hành để người dân biết, lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương cần có biện pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Các sở, ngành đã và đang tham mưu cho thành phố có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở những lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn. Các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm để bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh được công bằng. Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành đầy đủ những quy chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở, sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm để các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đặc sản vùng, miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Các cơ chế, chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để động viên, khuyến khích các tác nhân tham gia phát triển chuỗi, hạn chế vi phạm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.