Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái là một trong những mục tiêu quan trọng mà Hà Nội hướng đến để phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, tạo sản phẩm an toàn.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường và tạo nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng...
Xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Là huyện đang trong quá trình đô thị hóa, Đan Phượng định hướng chuyển đổi các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sinh thái kết hợp du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Nội ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cho biết, với diện tích đất nông nghiệp hạn chế, nhận thấy mô hình trồng nho hạ đen cho giá trị kinh tế cao, từ năm 2019, gia đình đã trồng 100 gốc, mở rộng diện tích lên 1 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ quả. Với mức giá bình quân khoảng 130.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/sào. Đặc biệt, sản phẩm nho hạ đen đã được thành phố công nhận là sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo thuận lợi trong quảng bá, tiêu thụ.
Tương tự, là chủ một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái hiệu quả, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, năm 2017, hợp tác xã đã liên kết cùng các hộ sản xuất ở địa phương xây dựng mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của Israel. Đến nay, sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Ngoài trồng rau, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hợp tác xã trồng dưa lưới kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm đã hình thành, như: Hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích hơn 1.700ha. Ngoài ra, Hà Nội duy trì hơn 1.300ha VietGAP rau, quả, chè; 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản; 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi; gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái, hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm, gồm: Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa), Hợp tác xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Hầu hết các mô hình nông nghiệp sinh thái đều nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tạo ra nông sản có tính cạnh tranh cao
Hiện nay, việc xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái còn khó khăn, do người dân chủ yếu tập trung gia tăng sản lượng, chưa chú trọng vấn đề về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, thói quen canh tác của người dân vẫn sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến nguy cơ gây suy thoái môi trường…
Để tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị; nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; tiến tới cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất rau màu tại các xã: Liên Hồng, Hồng Hà, Thọ An; quy hoạch vùng đất bãi ven sông Hồng, sông Đáy, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản sạch của người dân ngày càng tăng cao. Vì vậy, phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, bền vững là xu hướng tất yếu của nông nghiệp ven đô trong tương lai. Để phát triển mạnh hơn nông nghiệp sinh thái, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương thường xuyên mở lớp tập huấn về sản xuất an toàn để thay đổi nhận thức cho nhà quản lý, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp...
Các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái để tạo sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có tính cạnh tranh cao; lựa chọn xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái phù hợp thực tế của địa phương; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ cao, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh các chính sách đào tạo, tập huấn kiến thức cho người dân, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương sẽ hỗ trợ giống, kết nối chuỗi, vốn vay từ Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội với lãi suất ưu đãi; đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sinh thái để nâng cao giá trị nông sản; ứng dụng chuyển đổi số góp phần tăng tính minh bạch cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.