Hiện tại, Hà Nội mới đáp ứng được từ 20% đến 70% nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô, còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu.
Do đó, việc siết chặt kiểm soát chất lượng thực phẩm là yêu cầu cấp thiết để Hà Nội duy trì công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện còn khó khăn, do các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư. Hơn nữa, các chợ trên địa bàn huyện chủ yếu là bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản và cơ bản là họp theo phiên vào buổi sáng trong ngày, các tiểu thương kinh doanh tại nhiều chợ khác nhau. Do đó, việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh để thực hiện chỉ tiêu về quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, do thực phẩm chủ yếu kinh doanh trong ngày, nguồn gốc được lấy từ các chợ đầu mối hoặc mua của hộ dân tại địa phương, nên việc lưu giữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc chưa thực hiện theo quy định. Việc cung cấp các loại quả qua rất nhiều kênh: Đường hàng không, đường bộ, qua chợ đầu mối…, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm kinh doanh tại các cửa hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục đã phối hợp với các địa phương xử lý một số sự cố gây mất an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Điển hình là cơ quan chức năng phát hiện ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) có xưởng thu gom, sơ chế, phân loại mỡ trâu bò, sản phẩm phụ phẩm của động vật bốc mùi hôi, mất vệ sinh, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ được đưa đi phân phối, tiêu thụ tại các cơ sở trên địa bàn xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) để làm giò chả, dồi sụn. Lực lượng chức năng của huyện Thường Tín đã xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 5,5 triệu đồng, tiêu hủy 473kg mỡ trâu, bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Hiện tại, công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn, do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp lớn, nhưng quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tuyến quận, huyện, xã, phường là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương chưa hiệu quả. Công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sau ký cam kết còn yếu. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm tuy đã có sự chuyển biến, song vẫn còn hạn chế; ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường...
Kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc
Để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch ra thị trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, trong thời gian tới, huyện mở rộng tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cùng với đó, huyện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem nông sản an toàn theo chuỗi liên kết, in bao bì nhằm nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, huyện mở các lớp tập huấn để thay đổi phương thức sản xuất cho nông dân từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng. Huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về kiến thức an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển điểm kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn tại thị trấn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, xã Tân Triều… để giúp người dân tiếp cận và sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc vi phạm về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu giám sát thực phẩm, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để vi phạm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng chủ động xử lý sự cố mất an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng cao hoạt động quản lý nhà nước về tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản an toàn và đầu tư nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các địa phương cần bảo đảm 100% các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm để xác định tình trạng tuân thủ pháp luật.
“Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT quan tâm rà soát, thống nhất, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm, nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Đình Hoa kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.