Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, giám sát chặt chẽ. Ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các sở, ngành tăng cường hậu kiểm việc tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn, phòng, chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm...
Kiểm soát, giám sát chặt chẽ
Thực hiện Nghị định số 15/2018/ NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Hà Nội đang tiếp nhận bản tự công bố và hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận và hậu kiểm 2.925 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản, đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành Nông nghiệp quản lý; đồng thời tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với các cơ sở.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, để kiểm soát việc tự công bố thực phẩm chế biến nông sản của các đơn vị, trong 9 tháng năm 2024, Chi cục đã thẩm định, đánh giá định kỳ 105 lượt cơ sở. Kết quả: 95 cơ sở xếp loại B, 8 cơ sở dự kiến xếp loại B (đang chờ kết quả phân tích mẫu), 2 cơ sở tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Chi cục đã kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm của 4 cơ sở hoạt động xuất khẩu sản phẩm sầu riêng bị cảnh báo có phát hiện Cadium. Kết quả kiểm tra truy xuất, các cơ sở đã xuất trình đủ hồ sơ minh chứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, Chi cục tiến hành kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đối với 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO/HACCP...
Cùng với kiểm tra việc tự công bố chất lượng nông, lâm, thủy sản của các đơn vị, công tác giám sát an toàn thực phẩm đối với nông sản được thực hiện chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của ngành Nông nghiệp đã tổ chức lấy 1.027 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả phân tích 829/1.027 mẫu thì 198 mẫu chưa có kết quả, trong đó 793 mẫu đạt yêu cầu chỉ tiêu phân tích (chiếm 97%), 26 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, 12 mẫu phát hiện chất không được quy định mức giới hạn tối đa cho phép đối với sản phẩm.
“Công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, những công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Đối với các mẫu vi phạm, Chi cục đã có thông báo đến cơ sở được lấy mẫu và cơ quan phối hợp lấy mẫu, yêu cầu cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Tiếp tục tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Hiện nay, việc kiểm soát và hậu kiểm cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản còn khó khăn do rất nhiều cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhận thức về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Mặt khác, công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm ở các cơ sở còn thủ công, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
Việc hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở có tồn tại vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức điều tra, thống kê, phân loại cơ sở thực phẩm để quản lý theo phân cấp, đăng ký chỉ tiêu kế hoạch, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân năm 2025. Qua công tác kiểm tra, hậu kiểm, tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; hướng dẫn trực tiếp tới tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hành tốt quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện hành vi vi phạm. Trong đó, công tác hậu kiểm sẽ chú trọng bảo đảm chất lượng thực phẩm ở các khâu: Chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi. Các địa phương công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại (A, B, C) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và các trường hợp phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm; bố trí kinh phí, ưu tiên kiểm tra, lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản, nhất là các mẫu thịt, rau, quả và thủy sản tại chợ đầu mối, điểm bán buôn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.