Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Ngọc Quỳnh| 03/02/2022 10:31

(HNMO) - Hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nông nghiệp Hà Nội đang tập trung hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Sản xuất nấm theo công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) cho giá trị cao.

Nền tảng của một nền nông nghiệp hiện đại

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) là một trong 30 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý - Đặng Thị Cuối thông tin, việc áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh cung cấp cho nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng… với giá cả ổn định, cho thu nhập gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Phan Trung Kiên ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện trang trại của gia đình có 13.000 con gà đẻ trứng. Chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, các khâu sản xuất khép kín theo phương pháp an toàn nên hạn chế dịch bệnh. Mỗi ngày, trang trại cung cấp ra thị trường 8.000 quả trứng thì có 6.000 quả được bán lẻ với giá 8.400 đồng/quả, cao hơn 20-30% so với các loại trứng khác.

Mô hình trồng rau tại Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng).

Đánh giá về các chương trình mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Nhiều mô hình chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức)… Những mô hình này phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội, sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường.

“Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội tuy có quy mô nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 đến 12%, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 đến 30%... Đây là nền tảng để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững”, bà Vũ Thị Hương nhận định.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn vừa là giải pháp, vừa là động lực để Hà Nội thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần nên chưa phát huy tiềm năng. Rào cản đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn là nguồn vốn và quỹ đất. Để mở rộng xây dựng vùng sản xuất tập trung còn nhiều việc phải làm.

Ở góc độ của doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ đề xuất, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho thành phố giải pháp tháo gỡ những bất cập về cơ chế chính sách cho thuê đất đối với doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. 

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, Hà Nội cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại… tạo động lực mới phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Ở điểm nhìn khác, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết, để tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn với nhiều mặt hàng nông sản an toàn, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu công nghiệp nông nghiệp với hệ thống công nghệ hiện đại, quy mô lớn, theo quy hoạch vùng. Đây cũng là động lực để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nguồn kinh phí 48,9 tỷ đồng hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội, các địa phương sẽ chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, thủ tục chuyển đổi tại các vùng sản xuất đã được quy hoạch; đồng thời, xây dựng một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Mặt khác, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và phát triển bền vững, thời gian tới, cùng với việc đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Cùng với đó là tập trung phát triển những mặt hàng nông sản chủ lực là thế mạnh riêng của Hà Nội như: Nhãn chín muộn, cam Canh, bưởi Diễn, hoa, cây cảnh, con giống... để nâng cao giá trị sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.