Chính trị

Học viện Nông nghiệp cần nghiên cứu để phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh

Ánh Dương 12/10/2024 13:30

Sáng 12-10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 và khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học, công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.

screenshot_20241012_120610_gallery.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm phòng truyền thống Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
screenshot_20241012_120601_gallery.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan triển lãm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dự buổi lễ, về phía trung ương có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy…

Lãnh đạo các địa phương tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long…

Đại biểu quốc tế có ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Sergio Narea, Đại sứ nước Cộng hòa Chile tại Việt Nam; bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam…

screenshot_20241012_120553_gallery.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai giảng năm học mới. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

68 năm xây dựng và phát triển

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, được thành lập năm 1956, là cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp của Việt Nam. Ngày 24-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và làm việc với Học viện. Bác đã để lại lời di huấn thiêng liêng “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”.

Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã vươn lên tầm cao mới, phát huy tự chủ đại học, có sự phát triển mạnh mẽ về đào tạo, số lượng tuyển sinh hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 120.000 kỹ sư, cử nhân; hơn 10.000 thạc sĩ và hơn 600 tiến sĩ. Nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp Học viện đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp...

Năm học 2024-2025, Học viện đón hơn 6.000 sinh viên khóa 69 nhập học, hòa nhập với hơn 20.000 sinh viên đang học tập trên các giảng đường. Cùng đồng hành với sinh viên là gần 1.300 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 700 giảng viên, nhà khoa học có học hàm, học vị: Tiến sĩ, giảng viên cao cấp, giáo sư, phó giáo sư…

Hằng năm, Học viện dành gần 30 tỷ đồng để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên các khóa. Năm 2024, xác định trách nhiệm với nền nông nghiệp nước nhà, Học viện dành thêm gần 30 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, như: Vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Sinh viên các vùng này được nhận học bổng toàn phần, được hỗ trợ 100% học phí, được ở ký túc xá miễn phí và được cấp sinh hoạt phí hằng tháng...

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện có quan hệ hợp tác với 120 trường đại học, viện nghiên cứu của 25 quốc gia trên thế giới; hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, khởi nghiệp, được thường xuyên quan tâm không ngừng phát triển.

Hằng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia từ 60 đến 100 doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu thực tập tốt nghiệp, việc làm cho từ 4.000 đến 5.000 sinh viên.

screenshot_20241012_120604_gallery.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tặng bức ảnh Bác Hồ cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Ghi nhận những thành tích của Học viện, Đảng và Nhà nước đã hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ, giảng viên, cựu sinh viên Học viện cũng vinh dự nhận các danh hiệu cao quý này và các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, cùng nhiều phần thưởng, giải thưởng do các tổ chức quốc tế và nước ngoài trao tặng.

Tăng cường năng lực đào tạo, khoa học, công nghệ

Với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ thầy và trò, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra vị thế vàng trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, Dự án SAHEP - VNUA từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới được triển khai tại Học viện góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo của Học viện.

Nhân dịp này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo, khoa học, công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.

Sau hơn 2 năm nỗ lực tổ chức thực hiện, dự án với 13 công trình được xây dựng, hoàn thành, đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ, viên chức và sinh viên.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng những thành tựu Học viện đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu; nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và lời dạy của cổ nhân “phi nông bất ổn”, nên trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và coi trọng phát triển nông nghiệp.

screenshot_20241012_120607_gallery.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành NN&PTNT đã có được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giữ vững an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; đi đầu trong việc tạo lập nền nông nghiệp tuần hoàn, các-bon thấp, tăng trưởng xanh. Thành tựu chung đó có sự đóng góp xuất sắc và toàn diện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nông nghiệp cần và phải dựa trên 3 trụ cột với tâm và thế mới, đó là: Thể chế và tổ chức, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đủ sức gánh vác các nhiệm vụ mới. Trong đó, các trường đại học phải thực sự trở thành trung tâm của đổi mới và sáng tạo, là biểu tượng, niềm tự hào về tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt những nội dung:

Một là, trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số.

Học viện phải phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước, mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp quốc gia. Học viện cần xây dựng một đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt đề án này.

Trong khi chờ xây dựng và phê duyệt đề án, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ Học viện xây dựng Công viên khoa học nông nghiệp và Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời với việc cho sáp nhập một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc và trực thuộc Bộ NN&PTNT về Học viện, tạo lập hệ sinh thái đủ mạnh để Học viện có thể phục vụ tốt hơn, toàn diện hơn cho sự phát triển của ngành, đất nước.

Hai là, những người tốt nghiệp đại học ngày nay không những cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và chuyển đổi số, mà còn cần phải có kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng đổi mới sáng tạo, có khả năng tư duy phản biện và hợp tác, cùng với các kỹ năng mềm khác, bảo đảm các em có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các trường đại học, trong đó có Học viện, phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải bảo đảm tính tương thích, hội nhập, quốc tế hóa theo các chuẩn mực tiên tiến càng sớm càng tốt; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các sinh viên được đào tạo từ Học viện tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần đưa đất nước nhanh chóng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ba là, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn và ở tầm cao mới, theo các tiêu chí và thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; bảo đảm hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học, để sớm có một hệ thống giáo dục đại học có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Bốn là, nghiên cứu của Học viện phải hướng tới phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh". Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh.

Các bộ, ngành hỗ trợ và hướng dẫn Học viện sớm cho thí điểm và mở rộng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off), làm cầu nối giữa nghiên cứu trong trường đại học với doanh nghiệp, thực tiễn, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.

Năm là, để phát huy cao hơn nữa nguồn lực trí tuệ, nguồn lực đất đai và cơ sở vật chất hiện đại này, Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện tốt nhất để Học viện tham gia tích cực vào các chương trình khoa học, công nghệ, trước mắt là chương trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp. Các phòng thí nghiệm với các thiết bị ngang tầm các trường đại học tiên tiến trên thế giới của Học viện phải là lực lượng chủ lực trong hệ thống các phòng thí nghiệm tham chiếu, được chỉ định của quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt.

Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư để Học viện có thể thực hiện tốt hơn việc giáo dục toàn diện cho người học về đức - trí - thể - mỹ, để các sinh viên có đủ “sức khỏe” về tâm hồn và thể chất, về chuyên môn và khả năng thích ứng, về đạo đức và sự tự tin, về tầm nhìn và lòng tự hào để có thể vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp trong một thế giới hội nhập và thay đổi nhanh chóng.

Sáu là, phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học với địa phương, nhất là địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào cần có những hoạt động đào tạo và khoa học, công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó; đồng thời, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết nối hạ tầng và vệ sinh môi trường; tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ Học viện trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, tránh lãnh phí nguồn lực, thực hiện tốt quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NN&PTNT giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm đầu mối của các trường đại học liên quan tổ chức đào tạo về phòng, chống thiên tai, để hình thành đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp ở nước ta; giao Học viện mở lại chương trình đào tạo cán bộ quản trị hợp tác xã theo hình thức đối tác công tư, một lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn và tin tưởng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, không ngừng đổi mới sáng tạo, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam, sớm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện và thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học viện Nông nghiệp cần nghiên cứu để phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.