(HNMO) - Các hệ thống siêu thị chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa 30-50%, bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ tiêu dùng. Trong khi tại các chợ truyền thống, hàng hóa rất dồi dào, giá ổn định. Nhìn chung, thị trường bình ổn, người dân không tích trữ nhu yếu phẩm…
Hàng hóa chất đầy quầy kệ, nhiều khuyến mại
Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, từ năm 2020 đến nay luôn sẵn sàng phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng 30-50%, nên có thể chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc cho biết, với nguồn hàng rất dồi dào, những ngày qua, toàn bộ hệ thống bao gồm 43 siêu thị VinMart và 793 cửa hàng VinMart+ tại Hà Nội đồng loạt triển khai chương trình khuyến mại, với hàng nghìn sản phẩm giảm giá, kéo dài đến hết ngày 15-5-2021.
Ghi nhận tại siêu thị VinMart phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), nhiều mặt hàng được giảm giá, như gạo thơm ST24 Sóc Trăng giảm còn 80.000 đồng/túi 3kg, nước mắm Nam Ngư còn 38.000 đồng/chai 900ml…
Theo nhân viên cửa hàng VinMart+ trên phố Đội Cấn, hệ thống này đang triển khai chương trình ưu đãi với nhiều loại nước giải khát, như mua 1 tặng 1 với nước dừa tươi Thaicoco 350ml, mua 2 tặng 1 với nước khoáng La Vie 1,5l hay sữa tươi tiệt trùng Vinamilk Green Farm 180ml giảm còn 30.500 đồng/lốc…
Tương tự, ghi nhận tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị Aeon…, hàng hóa chất đầy các quầy kệ, với nhiều chương trình giảm giá.
Ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc khu vực vùng miền Bắc siêu thị MM Mega Market cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn 50% so với nhu cầu bình thường, phục vụ người tiêu dùng mua sắm trực tiếp và mua sắm qua mạng”.
Còn ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, siêu thị này phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp bảo đảm nguồn hàng dự trữ tại kho hàng trên toàn quốc. “Hiện tại, toàn bộ hệ thống siêu thị Aeon không có biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Nhơn Quý nhấn mạnh.
Giá rau củ, thịt cá tại chợ dân sinh bình ổn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ truyền thống và dân sinh trên địa bàn trong ngày 8-5, hàng hóa cũng rất dồi dào, giá các mặt hàng bình ổn.
Các mặt hàng rau xanh rất phong phú. Rau muống có giá phổ biến 5.000-12.000 đồng/mớ tùy loại, rau ngót 6.000-7.000 đồng/mớ, cải ngọt 7.000 đồng/kg, cải xanh 5.000 đồng/kg, bắp cải 5.000-6.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, khoai sọ loại ngon 30.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg...
Chị Hoàng Thị Mai Thanh, tiểu thương tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, những ngày qua, nguồn cung rau, củ, quả không khan hiếm mà ngược lại rất dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi. Giá ổn định, sức mua cũng không biến động.
Tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên), sáng nay, lượng người tới chợ không đông dù là ngày cuối tuần. Chị Lê Thị Huệ kinh doanh thủy sản cho biết: “Mấy hôm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng không có hiện tượng người dân mua tích trữ hàng. Giá hàng hóa cũng không tăng, nhiều mặt hàng còn giảm giá”.
Cụ thể, giá cua đồng được bán ở mức 180.000 đồng/kg, ngao 22.000-25.000 đồng/kg, ốc mít 130.000 đồng/kg, tôm thẻ 200.000-260.000 đồng/kg…
Với mặt hàng thịt lợn, theo tiểu thương tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), sức tiêu thụ khá chậm bởi nhiều nhà hàng, trường học tạm đóng cửa, người dân cũng tiết giảm chi tiêu. Theo ghi nhận, mặt hàng này cũng rất dồi dào, giá ổn định và có sự chênh lệch đáng kể giữa các chợ. Hiện, thịt lợn thăn, ba chỉ, sườn được bán phổ biến 130.000-150.000 đồng/kg, móng giò 90.000-100.000 đồng/kg, tim 230.000-250.000 đồng/kg...
Về mặt hàng gạo, theo chủ đại lý gạo Thùy Linh, ngõ 293 Tam Trinh (quận Hoàng Mai), những ngày qua, sức cầu vẫn ổn định như trước. Người tiêu dùng thường mua phổ biến 5kg hoặc 10kg gạo. Giá gạo nếp nhung 25.000 đồng/kg, gạo tám Hải Hậu 16.000 đồng/kg, gạo Bắc Hương 14.500 đồng/kg...
Bà Nguyễn Thanh Hằng, ở phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Qua các đợt dịch trước, chúng tôi rất an tâm với việc cung ứng hàng hóa của thành phố nên không tích trữ hàng hóa. Tôi cũng hạn chế đến chợ hay siêu thị mà chuyển qua mua hàng online để tránh lây lan dịch bệnh”.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: "Với kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp độ cao nhất, thành phố Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Hà Nội cũng dự trữ nguồn hàng hóa, sẵn sàng phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa”.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin: “Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị. Nếu có tình trạng găm hàng, tăng giá, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.