Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng hóa dồi dào, sức mua trầm lắng

Thanh Hiền| 25/01/2023 06:24

(HNM) - Sáng 24-1 (tức ngày mùng 3 Tết), tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều tiểu thương đã bắt đầu mở cửa bán hàng. Mặt hàng được bày bán chủ yếu là hoa quả, rau xanh, thịt, cá... Trong khi đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã mở cửa từ mùng 2 Tết. Giá các mặt hàng nhìn chung tương đương với thời điểm trước Tết. Người dân đi mua sắm trong ngày mùng 3 Tết cũng thưa thớt, do hàng hóa, thực phẩm đã được mua trữ từ trước.

Siêu thị Big C Thăng Long chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Thủ đô những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Giá hàng hóa về gần mức bình thường

Ghi nhận trong sáng 24-1, tức mùng 3 Tết Quý Mão 2023, tiểu thương một số sạp hàng rau củ, hoa, trái cây, thực phẩm tươi sống… tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại. 

Khảo sát tại các chợ: Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Thành Công (quận Ba Đình)…, giá các loại trái cây không thay đổi so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, thanh long có giá 45.000-50.000 đồng/kg, bưởi 25.000-30.000 đồng/quả; cam Canh, cam Sài Gòn 50.000-60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000-80.000 đồng/kg; roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg.

Hoa tươi chủ yếu là hồng và cúc vàng. Nhìn chung, giá bán không tăng nhiều. Giá hoa cúc ở mức 100.000-120.000 đồng/bó 10 bông; hoa lay ơn 120.000-200.000 đồng/10 cành. Hoa hồng có giá bán 20.000-25.000 đồng/bông. Tuy nhiên, do tâm lý thoải mái khi đi chợ trong ngày đầu năm mới nên hầu như các bà nội trợ không trả giá.

Sau khi dạo một vòng chợ Nam Trung Yên, bà Nguyễn Hà Thu (trú tại phố Nguyễn Quốc Trị, quận Cầu Giấy) nói: “Tôi chỉ mua thêm 1 con gà và ít rau tươi để làm mâm cơm thắp hương, các món khác đã sắm từ hôm 29 Tết, giờ chỉ mang ra rã đông là dùng được ngay. Chợ thưa người, nhưng được cái giá hàng hóa đã trở về gần mức bình thường”.

Trong khi đó, tính tới ngày 23-1, tức mùng 2 Tết, đã có thêm một số trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa bán hàng trở lại như: Hệ thống siêu thị GO!, BigC, Tops Market của Central Retail mở cửa từ 10h đến 22h; hệ thống siêu thị Aeon mở cửa bình thường từ 8h đến 22h; hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op mở cửa trong buổi sáng; MM Mega Market mở cửa hoạt động bình thường... Tại một số siêu thị như Aeon, BigC, GO!, Tops Market của Central Retail, các loại rau xanh, trái cây khá phong phú nhưng số lượng khách mua không tấp nập như những ngày trước Tết.

Giá các mặt hàng tại siêu thị không chỉ ổn định, mà còn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn người tiêu dùng. Cụ thể, mặt hàng thịt bò giữ giá ổn định, thịt thăn bò có giá 300.000-320.000 đồng/kg, bắp bò 350.000-400.000 đồng/kg, các loại thịt diềm, dẻ sườn có giá 200.000-220.000 đồng/kg, lõi bò 550.000-580.000 đồng/kg, thịt mông 270.000-280.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông 150.000-170.000 đồng/kg. Tương tự, dù mặt hàng rau xanh được tiêu thụ nhiều nhưng giá bán vẫn giữ như ngày thường. Bắp cải 15.000-17.000 đồng/kg, su hào 10.000-15.000 đồng/củ, cà rốt 15.000-17.000 đồng/kg, cà chua 25.000-27.000 đồng/kg, rau cải cúc, rau cần 10.000-15.000 đồng/mớ, xà lách 30.000-32.000 đồng/kg, cần tỏi tây 20.000-25.000 đồng/kg, súp lơ xanh 20.000-22.000 đồng/cây...

Bảo đảm nguồn cung

Đánh giá chung về đợt phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến.

“Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10% đến 50% để phục vụ khách hàng. Đặc biệt theo báo cáo của các đơn vị, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách mua trực tuyến tăng tới 50% với những đơn hàng có giá 3-5 triệu đồng trở lên”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Về chuẩn bị hàng hóa sau Tết Nguyên đán, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho hay, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để dự báo sản lượng sản xuất, cung ứng nên nguồn hàng luôn dồi dào. Đặc biệt, siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) lần đầu tiên áp dụng chương trình "Khóa giá - bán thịt lợn tươi không lợi nhuận", qua đó chung tay bình ổn thị trường”. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op Hà Nội, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với các đơn vị sản xuất nên nguồn cung hàng hóa không thiếu. Cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, siêu thị kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay từ đầu vào, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc…

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa phục vụ nhân dân ngay từ những ngày đầu năm. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng hóa dồi dào, sức mua trầm lắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.