(HNM) - Xác định kết nối tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tập trung nhiều hơn cho công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương theo phương châm đổi mới và đa dạng hóa để tạo đột phá. Trong đó, chú trọng yếu tố thị trường và xây dựng nền thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Tăng kênh cung ứng và kết nối tiêu thụ
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô về gạo; 19,3% thịt trâu, bò; 65,1% rau củ; 17,9% thực phẩm chế biến... Do đó, thành phố đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhằm tạo kênh cung ứng nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho nhân dân.
"Nhằm kết nối giao thương, tạo niềm tin với người tiêu dùng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát triển thí điểm “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www.hn.check.vn; www.check. gov.vn) giai đoạn 2018-2020. Hiện, hệ thống này đã cấp 8.589 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm và tiếp nhận hơn 80.000 lượt truy cập tìm kiếm thông tin hoặc mua hàng", ông Tạ Văn Tường thông tin.
Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, Hà Nội đã đẩy mạnh việc kết nối, quảng bá những sản phẩm có tính cạnh tranh cao qua hàng loạt sự kiện kết nối sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội với nông sản - đặc sản của các vùng miền trên cả nước. Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền lấy ví dụ, sự kiện “Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên” do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức từ ngày 30-10 đến 2-11 không chỉ quảng bá 1.000 sản phẩm chất lượng cao đến 30.000 người tiêu dùng Thủ đô mà còn ghi nhận 65 biên bản ghi nhớ, hợp tác mở đại lý phân phối.
Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội duy trì và phát triển website https://nongsanantoanhanoi.gov.vn, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Hiện, có 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố phía Bắc cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
“Có thể nói, với các tính năng hiện đại, tiện ích, trang “Nông sản an toàn” là một trong những công cụ thương mại điện tử quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của 19 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và cập nhập dữ liệu về các nhà cung cấp…”, Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) Nguyễn Bá Bằng cho biết.
Chú trọng xúc tiến thương mại điện tử
Những kết quả đạt được thời gian qua là tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội mới chủ yếu được triển khai trên bề rộng, thiếu chú trọng chiều sâu, đặc biệt là chưa xác định được nhóm sản phẩm chủ lực, kênh quảng bá cần ưu tiên xúc tiến thương mại.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ chia sẻ, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, sự kiện kết nối giao thương..., lượng hàng hóa tiêu thụ của công ty đã tăng lên đáng kể, trong đó 50% đơn hàng qua các kênh thương mại điện tử. Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thái Hoàng, Hà Nội cần phát triển hơn nữa những mô hình như Chợ thương mại điện tử tiêu thụ nông sản an toàn tại địa chỉ https://chonhaminh.gov.vn, bởi chính công ty của ông được nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến khi thường xuyên giao dịch trực tuyến trên chợ thương mại điện tử này.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Trong đó, chú trọng ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm nông sản an toàn. Cụ thể, Hà Nội sẽ đưa toàn bộ sản phẩm của 141 chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và 40 nhãn hiệu nông sản đã được bảo hộ lên các sàn giao dịch, chợ thương mại điện tử; đồng thời, tập trung xúc tiến thương mại cho 1.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và các sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn thành phố, như các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh… cũng đang triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trực tuyến. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, Thường Tín đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 kết nối 58 sản phẩm OCOP của huyện với các doanh nghiệp và quảng bá trên các trang tin, sàn giao dịch điện tử.
Đổi mới, đa dang hóa hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung quảng bá các sản phẩm OCOP, các mặt hàng có năng lực cạnh tranh, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô, đồng thời nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.