Đô thị

Thành phố Hà Nội dồn lực khắc phục hậu quả bão số 3

Nhóm phóng viên 08/09/2024 15:55

Sáng nay 8-9, các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội tiếp tục thống kê thiệt hại, đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.

Huyện Ba Vì hiện có mưa lớn trên toàn địa bàn, nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là ở các xã miền núi. Các cơ quan chức năng đang vận hành 6 tổ máy tại 3 trạm bơm tiêu thoát nước cho các xã: Tây Đằng, Vật Lại, Vạn Thắng, Cổ Đô.

mua-lu3.jpg
Mưa lớn gây sạt lở tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Ảnh: Sơn Tùng
mua-lu7.jpg
Nhiều diện tích lúa tại xã Minh Quang, Khánh Thượng (huyện Ba Vì) đổ rạp, thiệt hại nặng nề. Ảnh: Sơn Tùng
mua-lu1.jpg
Nhiều diện tích lúa tại xã Minh Quang, Khánh Thượng (huyện Ba Vì) bị đổ rạp, thiệt hại nặng nề. Ảnh: Sơn Tùng

Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu đều bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 400ha lúa, hoa màu bị ngập úng nặng; 64ha chuối bị gãy đổ tại các xã: Minh Châu, Phú Châu, Phú Phương…

mua-lu.jpg
Hiện nay, mực nước tại các suối trên địa bàn xã Minh Quang (huyện Ba Vì) lên rất nhanh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cảnh giác... Ảnh: Sơn Tùng

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, hiện đã khắc phục được khoảng 80-90% sự cố cây gãy đổ, hạ tầng giao thông, trường học và hệ thống điện lưới hư hại. Đối với điểm sạt lở nghiêm trọng tại các xã miền núi, huyện cùng cơ quan chức năng sớm xử lý. Huyện kêu gọi bà con khẩn trương ra đồng buộc, vớt lúa bị đổ để giảm thiểu thiệt hại...

Tại huyện Sóc Sơn, xã Quang Tiến chịu nhiều thiệt hại. Hàng loạt cây xanh, hoa màu đổ gãy.

z5809566966554_25048cf9955e9584f06ee792503b8c49.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 371 giúp dân dựng lại lúa sau bão. Ảnh: Trần Thứ

Trước tình hình đó, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện Chiến sĩ mới và Tiểu đoàn Căn cứ sân bay Nội Bài phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ngay từ sáng sớm 8-9, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn tập trung tại các điểm sạt lở để vận chuyển hàng chục khối đất đá, thu dọn cây cối đổ gãy; tích cực hỗ trợ vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, giúp các hộ gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.

z5809567236334_2a335ede3385ce4c7b3b2e17817064dd.jpg
Chiến sĩ Sư đoàn 317 khắc phục hậu quả mưa bão. Ảnh: Trần Thứ

Bên cạnh đó, Sư đoàn 371 cũng đã giúp bà con xã Quang Tiến dựng lại khoảng 6ha lúa vụ đông bị đổ rạp và ngập úng sau trận bão; khơi thông nước ngập để giảm thiểu thiệt hại, góp phần giúp nông dân sớm phục hồi sản xuất.

ss3.jpeg
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường kiểm tra tình hình thiệt hại và tặng quà động viên lực lượng khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Ngô Huân

Thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, tính đến chiều 8-9, bão số 3 khiến 1 người dân bị thương; 2 ô tô, 1 xe máy bị hư hỏng; 5.730ha lúa mùa bị đổ, úng ngập. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có số cây xanh bị đổ, gãy lớn với 13.503 cây xanh, bao gồm 7.676 cây ăn quả các loại…

ss6.jpg
Các chiến sĩ Sư đoàn 371 hỗ trợ người dân xã Quang Tiến buộc, dựng lại lúa. Ảnh: Ngô Huân

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, ngay khi bão tan, huyện Sóc Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra. Trong đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và 26 xã, thị trấn đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và người dân địa phương tham gia di chuyển cây xanh gãy đổ, giải tỏa ách tắc giao thông trên các quốc lộ, khu vực trung tâm huyện và các trường học; hỗ trợ nhân dân dựng, buộc lại diện tích lúa bị đổ…

Quận Đống Đa đến 15h ngày 8-9, đã khắc phục 402 sự cố. Riêng các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận có 78 cây đổ; 14 phòng học bị hư hỏng, cần hỗ trợ xử lý 10 phòng; 1 cột đèn và 5 tường rào của các trường cần hỗ trợ xử lý.

dong-da-5.jpg
Lực lượng Ban Chỉ huy quân sự quận Đống Đa phối hợp khắc phục hậu quả của bão tại đền Kim Liên. Ảnh: Bảo Anh
dong-da-1(1).jpg
Công nhân Công ty Môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa thu gom rác. Ảnh: Bảo Anh

Trước đó, theo thống kê đến 5h ngày 8-9, có 538 cây xanh gãy đổ; 14 sự cố về điện, cháy chập, hỏng tủ điện; 4 sự cố về chiếu sáng; 1 sự cố về viễn thông; 3 sự cố về cột đèn giao thông. Ngoài ra, 3 mái tôn, 14 ô tô, 1 biển báo giao thông hiệt hại, hư hỏng ; 1 sự cố mắc kẹt trong thang máy đã được khắc phục kịp thời. Các lực lượng đã và đang bố trí ứng trực, phối hợp xử lý nhanh sự cố, bảo đảm an toàn.

cay-da.jpg
Nhiều cây xanh trên địa bàn quận Đống Đa bị gãy đổ. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

UBND quận cũng đã chỉ đạo các phường tổ chức di chuyển 110 hộ/367 nhân khẩu tại các nhà xuống cấp, nguy hiểm đến vị trí an toàn, cấp phát đầy đủ trang thiết bị và nhu yếu phẩm.

Suốt đêm, Ban Chỉ huy quân sự phường Phương Mai xử lý cây dọc tuyến Phương Mai. Ảnh: Ban chỉ huy quân sự quận cung cấp

Quận Cầu Giấy có 1.065 cây đổ, gãy. Mưa bão cũng làm đổ 1 đoạn tường nhà văn hóa phường Dịch Vọng, 1 đoạn tường UBND phường Nghĩa Đô; tường Trường THCS Nghĩa Tân.

img_20240908_073722.jpg
img_20240908_073744.jpg
Cây đổ la liệt trên các tuyến phố thuộc địa bàn các phường Mai Dịch, Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hải Hà

Mưa bão cũng khiến hàng rào tôn bị đổ ở đối diện số 74 đường Nguyễn Khánh Toàn; nhà số 77/260 tổ 25 phường Quan Hoa bị bay mái.

Một số hình ảnh dọn cây xanh gãy đổ ở trường Tiểu học Nghĩa Tân:

2(4).jpg
6(4).jpg
z5808761618654_6b4fe068e9b0d0987cf287e51a7006a4.jpg
Bức tường dài gần 20m bị cây đè đổ ở Trường THCS Nghĩa Tân.

Đặc biệt, lúc 17h15 ngày 7-9, anh C.M.C (sinh năm 2002; ở thôn Trung, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) điều khiển xe máy qua ngõ 126 Trần Duy Hưng bị cây đổ vào, đã tử vong.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho hay, UBND quận đã thành lập 4 tổ công tác chỉ đạo khắc phục sự cố.

Đáng lưu ý, tại phường Yên Hòa, do có nhiều cây gãy đổ, lực lượng của quận và phường đã rất cố gắng nhưng chưa thể khắc phục xong. Vì vậy, lãnh đạo phường Yên Hòa đã đề nghị các Bí thư chi bộ vận động nhân dân chung tay, góp sức để dọn dẹp, vệ sinh và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô sáng 8-9, đã tích cực hỗ trợ người dân tại các quận, huyện, thị xã bị ảnh hưởng bởi bão.

Cụ thể, hơn 750 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Long Biên đã tham gia vệ sinh môi trường, phối hợp cắt tỉa, dọn dẹp cây đổ tại các tuyến đường, ngõ, trường học, nhà văn hóa, khu di tích, sân chơi...

tay-ho.jpg
Hội viên phụ nữ tham gia vệ sinh môi trường. Ảnh: Bảo Anh

Tại quận Đống Đa, cán bộ, hội viên phụ nữ quận kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân đang phải di dời tránh bão; vệ sinh, dọn dẹp các tuyến phố.

Tại quận Cầu Giấy, các cấp Hội cũng đã xuống đường, tổng vệ sinh, tham gia thu dọn cây đổ... góp phần giúp đường thông, hè thoáng.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh huy động 235 tình nguyện viên ứng trực hỗ trợ công tác hậu cần cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống bão, giúp đỡ các hộ gia đình tạm lánh bão với các hoạt động như: Nấu cơm, cho mượn quần áo, chăn màn...

Một số hình ảnh tham gia khắc phục bão số 3 của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô (Ảnh: Bảo Anh):

thanh-tri3.jpg
tien-duong.jpg
long-bien-2.jpg
hoang-mai.jpg
dong-da.jpg

Quận Ba Đình: 3 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng được cấp cứu; 2 người đã được sơ cấp cứu và ra viện. Toàn quận có 329 cây đổ, đã xử lý 279 sự cố; có 11 sự cố gãy, đổ cột điện, dây viễn thông, trạm biến áp trên địa bàn 5 phường, đến nay đã xử lý được 8/11 sự cố; 10 sự cố tốc mái nhà và đã được xử lý.

Hình ảnh lực lượng chức năng quận và người dân đang tổng lực vệ sinh môi trường, dọn dẹp đường phố sáng nay 8-9:

badinh7.jpg
Các lực lượng chức năng dọn dẹp cây cổ trên phố Hàng Than. Ảnh: Mai Hữu
badinh3.jpg
Lực lượng dân quân dùng phương tiện cắt cây trên phố Đội Cấn. Ảnh: Mai Hữu
badinh8.jpg
Người dân cùng chung sức với lực lượng chức năng để xử lý cây gãy đổ, giải tỏa đường phố. Ảnh: Mai Hữu
badinh6.jpg
Người dân phường Vĩnh Phúc chủ động vệ sinh môi trường khu dân cư. Ảnh: Mai Hữu
badinh1.jpg
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Ba Đình) hỗ trợ xử lý sự cố bay mái tôn. Ảnh: Mai Hữu

Trước đó, ngoài di dời 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi chung cư nguy hiểm nhà G6A Thành Công, phường Thành Công, quận cũng đã di dời 19 hộ với 65 nhân khẩu trên địa bàn 5 phường ra khỏi các nhà nguy hiểm do bị cây đổ nghiêng vào nhà, nhà bị tốc mái, nhà tạm không bảo đảm an toàn.

Huyện Mê Linh không ghi nhận thiệt hại về người, không có nhà dân bị sập, đổ; không xảy ra tình trạng ngập úng trong các khu dân cư. Tuy nhiên, toàn huyện có khoảng 250ha lúa và hoa màu bị đổ; 1 bè cá bị sóng đánh chìm, 1 lồng cá bị hư hại; 320 cây xanh công trình bị gãy, đổ, gây cản trở giao thông. Ngay trong đêm 7 và sáng 8-9, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã huy động tối đa vật tư, phương tiện, máy móc, tổ chức xử lý nên giao thông trong huyện được thông suốt.

2ml.jpg
Tạm dừng các phương tiện thuỷ trên địa bàn huyện Mê Linh để chống bão. Ảnh: Hoàng Sơn

Đối với hệ thống điện, có 11 đường dây trung thế, 120 trạm biến áp bị sự cố, gây mất điện cục bộ tại các xã: Tiền Phong, Chu Phan, Mê Linh, Tiến Thịnh, Thạch Đà… Đến sáng 8-9, Chi nhánh Điện lực Mê Linh đã cơ bản khôi phục cấp điện trở lại.

4ml.jpg
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn trao quà động viên người dân xã Tiền Phong. Ảnh: Thanh Tuyền

Thị xã Sơn Tây: Cơn bão số 3 đã khiến 848 cây xanh các loại gãy, đổ; xảy ra 36 sự cố trên 12 lộ đường dây điện, đổ 4 cột điện trung áp, 8 cột điện hạ áp, hư hỏng 2 máy biến áp và 2 vị trí hỏng thiết bị trên đường dây; 6 nhà bị tốc mái tổng diện tích 150m2; Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm bị tốc bay vỡ một số hàng ngói; 3 ngôi nhà mái tôn bị đổ sập do cây đổ; 11 đoạn tường bao bị đổ, tổng chiều dài 370m...

Về sản xuất nông nghiệp, 299,5ha lúa và 17,5ha cây màu, cây rau, cây khác bị ngập, gãy đổ…

img_20240908_092338.jpg
Lực lượng chức năng xã Đường Lâm đang khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ. Ảnh: Thanh Thủy
img_20240908_100033.jpg
Lực lượng chức năng xã Xuân Sơn đang xử lý cây xanh bị đổ. Ảnh: Xuân Cao
hong-ha.jpg
Lực lượng chức năng và nhân dân các tổ dân phố: Hậu An, Hồng Hà (phường Lê Lợi) xử lý cây, dọn dẹp vệ sinh lòng đường. Ảnh: Chu Hà

Huyện Phúc Thọ: Sáng 8-9, nhiều xứ đồng của huyện Phúc Thọ bị úng ngập cục bộ. Các lực lượng chức năng đang tập trung tiêu nước để cứu hoa màu.

pt-2.jpeg
Nhiều xứ đồng trồng cây ăn quả huyện Phúc Thọ bị úng do mưa bão. Ảnh: Quang Cảnh

Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn huyện Phúc Thọ có 184ha lúa bị ngập và đổ; 44,5ha rau bị ngập và nát; 9ha cây ăn quả bị ngập.

Hiện nay, nước úng tại các khu vực vẫn chủ yếu tiêu thoát bằng hình thức tự chảy. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ tăng cường công tác tiêu úng bằng máy bơm.

pt-1.jpg
Cánh đồng lúa sắp tới kỳ thu hoạch bị đổ, ngập. Ảnh: Quang Cảnh

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng khơi thông cống rãnh, kênh mương, đảm bảo thông thoáng dòng chảy; tập trung chỉ đạo các trạm bơm tiêu vận hành kịp thời, hết công suất khi mưa lớn để giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp...

Quận Hai Bà Trưng: Bão số 3 khiến 3 người bị thương nhẹ; làm hư hại 12 xe ô tô, 4 xe máy do cây đè. Tính đến sáng 8-9, trên địa bàn quận có 745 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy. Trong đó, có 85 cây xanh trên các tuyến phố chính, còn lại trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, ngõ ngách...

hbt.jpg
Lực lượng chức năng phường Vĩnh Tuy ra quân vệ sinh sau bão số 3. Ảnh: UBND phường cung cấp
hbt-1(1).jpg
Đoàn thanh niên quận Hai Bà Trưng cùng người dân thu dọn cây xanh bị gãy đổ do mưa bão.
hbt-2.jpg
Đoàn viên thanh niên quận Hai Bà Trưng cùng người dân thu dọn cây xanh bị gãy đổ.

Ngay trong sáng nay, UBND quận, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự phối hợp, hỗ trợ cùng lực lượng phường Vĩnh Tuy để xử lý các sự cố phát sinh, đặc biệt liên quan cây gãy đổ, cản trở giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân tại các công trình có nguy cơ cao.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung đã có mặt tại các địa điểm bị ảnh hưởng nặng nhất từ cơn bão số 3 như các tuyến phố Dương Văn Bé, Trần Đại Nghĩa, Lò Đúc,... để chỉ đạo các lực lượng tập trung, quyết liệt xử lý kịp thời các sự cố; đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân.

Cưa, cắt cây gãy đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.

Huyện Thạch Thất: Bão số 3 đã làm sập nhà kho khung thép, cấp 4 lợp mái tôn tại khu đấu giá xã Dị Nậu; sập 1 gian nhà kho của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải 200m2, 2 gian chăn nuôi 30m2; 80m2 nhà tạm vách tôn ở xã Đồng Trúc; tốc mái tôn 485m2; đổ 397,2ha lúa mùa, 25,5ha rau màu ở các xã; không có thiệt hại về người.

khac-phuc-8-9.jpg
Lực lượng chức năng huyện Thạch Thất khắc phục cây xanh bị đổ do ảnh hưởng của cơn bão vào sáng 8-9. Ảnh: Thu Hương

Ngoài ra, toàn huyện có 820 cây lấy gỗ, bóng mát đổ, gãy; đổ 2.811m tường bao; đổ 1 cột điện cao áp Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, 2 cột điện nhánh trong thôn xã Yên Bình, 1 cột điện, 6 cột viễn thông ở xã Cần Kiệm, 1 cột điện ở xã Lại Thượng…

Lực lượng chức năng huyện Thạch Thất kiểm tra và khắc phục sau cơn bão số 3 sáng ngày 8-9. Video: Thu Hương

Để khắc phục hậu quả sau bão số 3, huyện đã huy động 677 người, nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng...

Hiện Xí nghiệp Thuỷ lợi Thạch Thất vận hành 5 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 15 tổ máy bơm. Trạm bơm Tân Xã phải di chuyển máy do mất điện, nước ngập vào máy. Các trạm bơm Đồng Trúc, Hạ Bằng, Lim, Tân Xã không bơm tiêu được do mất điện.

Huyện Thanh Trì: Tính đến 6h sáng 8-9, trên địa bàn có 3.597 cây xanh gãy đổ. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 1.030 cây; đang tiếp tục huy động lực lượng để xử lý, bảo đảm giao thông thuận lợi. Có 5 công trình trường học, chợ bị tốc mái.

Về sản xuất nông nghiệp, 96 công trình nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi tại bị tốc mái, 527ha lúa đổ, ngập.

Toàn huyện có 3 điểm ngập úng là các khu dân cư Triều Khúc; Tân Triều mới; đường Sông Hoà Bình, đến nay đã khắc phục xong điểm ngập thôn Triều Khúc. 19 lộ, nhánh đường dây trung thế bị mất điện, 16 cột điện gãy đổ. Công ty Điện lực Thanh Trì đã khắc phục hoàn toàn được 15 lộ đường dây và nhánh. Hiện đang còn mất điện một phần xã Yên Mỹ, Tam Hiệp, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Thanh Liệt và một số hộ khách hàng nhỏ lẻ.

Huyện Đan Phượng: Đến sáng 8-9, trên địa bàn huyện không xảy ra úng ngập ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; các công trình đê điều, thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn.

Tuy vậy, sự cố về điện khá lớn. Toàn huyện có 23 cột điện tại các xã: Phương Đình, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Song Phượng, Đồng Tháp, Liên Hà, Thọ Xuân bị đổ, trong đó 9 cột điện trung thế và 1 sự cố Trạm biến áp làm mất điện cục bộ tại một số xã.

dan-phuong-4.jpg
Cột điện gãy đổ ở xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Phượng Đan

Toàn huyện có khoảng 6,7ha lúa, ngô, chuối, rau bị đổ; 4 lồng cá nuôi trên sông Hồng bị vỡ, thiệt hại khoảng 4 tấn cá và chìm 3 thuyền gỗ nhỏ trên sông Hồng; 199 cây xanh gãy, đổ, nghiêng.

Hiện, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Đan Phượng đang tập trung xử lý cây xanh gãy đổ. Công ty Điện lực Đan Phượng đang tập trung khắc phục sự cố về điện. Các xã, thị trấn cũng đã huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên Thủ đô sáng nay 8-9, tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường, thăm hỏi người già neo đơn, hỗ trợ người dân sửa sang nhà cửa; hỗ trợ và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân....

Một số hình ảnh khắc phục hậu quả bão số 3 của thanh niên Thủ đô tại các quận, huyện sáng 8-9 (Ảnh: Mai Anh):

tn-7.jpg
tn3.jpg
tn-4.jpg
tn.jpg
tn-5.jpg
tn-8(1).jpg
tn-2.jpg

Huyện Gia Lâm: Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Tiến Hoàng thông tin, toàn địa bàn có khoảng 79ha lúa, 150ha, 40ha cây ăn quả tại xã Cổ Bi, Dương Hà, Yên Viên, Yên Thường... bị ảnh hưởng; 1.900 cây ăn quả, cây xanh bóng mát tại các xã bị bật gốc, nghiêng, gãy, đổ...

Một số cây xanh trên địa bàn xã Kiêu Kỵ bị đổ: Ảnh: Kiei
Một số cây xanh trên địa bàn xã Kiêu Kỵ bị đổ: Ảnh: Phùng Đắc

Ngoài ra còn có 119 công trình nhà bị tốc mái tôn, mái tum; 13 cột điện bị đổ, gãy tại các xã: Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá, 2 đường dây điện đứt hỏng tại xã Đặng Xá... Các sự cố về điện đang được Công ty Điện lực Gia Lâm đang tiến hành khắc phục, sửa chữa.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Huyện đã huy động 1.600 người, gồm các lực lượng khắc phục hậu quả của bão.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng yêu cầu các địa phương rà soát công trình nhà ở, nhà tạm có nguy cơ hư hỏng, sập đổ, chủ động các biện pháp phòng tránh, sửa chữa, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Quận Hoàng Mai: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận thông tin, tính đến 5h ngày 8-9, trên địa bàn có 7 ô tô hư hỏng; 3 trường học tốc mái tôn... Nhà thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu bị sập 1 phần khu nhà thờ chính. Trường phổ thông liên cấp MAY (Định Công) và 18 nhà dân bị hư hỏng do cây đổ.

z5807239545160_0d7509dbef1df9eabfceda96c6f0917d.jpg
Cây đổ trên địa bàn phường Hoàng Liệt. Ảnh: PV

Có 1.070 cây đổ, 38 mái tôn và 8 biển quảng cáo bay văng và 36 cột điện bị đổ.

z5808329358546_2ba9107c6f860030951753e561f6c9f1.jpg
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên đường Lĩnh Nam. Ảnh: PV

Các lực lượng cơ sở và đơn vị chuyên ngành đang tập trung khắc phục thiệt hại. Hiện các trục đường chính: Giải Phóng, Ngọc Hồi, đường 2,5, Tam Trinh, Lĩnh Nam, Đỗ Mười (Vành đai 3), Trương Định… đã cơ bản được thu dọn, bảo đảm giao thông thông suốt. Các tuyến đường nhánh đang tiếp tục được thu dọn, cố gắng hoàn thành trong ngày 8-9.

Quận Hoàn Kiếm: Theo thống kê, tính đến 6h ngày 8-9, bão số 3 đã khiến 286 cây xanh trên địa bàn gãy đổ, 22 cây xanh bị gãy cành lớn, rải rác tại 18 phường. Có 3 người bị thương nhẹ do cây đổ vào nhà; 2 ngôi nhà bị tốc mái tôn; 3 cột đèn chiếu sáng, 2 cột điện bị đổ, 1 ô tô con bị cây đè bẹp.

Các đồng chí Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác di dân và phòng, chống bão số 3 - Ảnh: CTV
Các đồng chí Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm chỉ đạo công tác di dân và phòng, chống bão số 3. Ảnh: CTV

Quận Hoàn Kiếm đã vận động tổng số 707 người di dời từ khu vực nguy hiểm đến điểm an toàn. Trong đó có 88 người sơ tán vào trường học, điểm an toàn và 620 người sơ tán về nhà người thân.

Lực lượng chức năng phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đưa cụ bà 97 tuổi và 1 người bị liệt lên Trung tâm Y tế quận để theo dõi, chăm sóc sức khoẻ chiều 7-9 - Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đưa cụ bà 97 tuổi và 1 người bị liệt lên Trung tâm Y tế quận để theo dõi, chăm sóc sức khoẻ chiều 7-9. Ảnh: CTV

Quận đã giải tỏa được 2/3 số cây đổ, tập trung giải tỏa cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, giải phóng các trục đường chính. Các cột đèn chiếu sáng gặp sự cố đã được khắc phục ngay, đảm bảo an toàn về điện.

Quận Thanh Xuân không có thiệt hại về người nhưng 1 nhà bị tốc mái; nhà kho Công ty giày Thượng Đình, 5 mái nhà dân hư hỏng.

Đã có 6 trạm biến áp bị chập điện, đến nay đã xử lý xong 5 trạm còn 1 trạm đang khắc phục để cấp điện cho người dân; có 2 cột điện bị gãy; hư hỏng 3 ô tô; 1 xe máy.

09-07-caq-xu-ly-bao-5.jpg
Xử lý cây gãy, đổ tại đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công an quận Thanh Xuân

Quận cũng là địa phương có thiệt hại về cây xanh đô thị lớn, với 370 cây bị gãy, đổ. Lực lượng xung kích các phường phối hợp đơn vị liên quan xử lý kịp thời. Trong ngày 8-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị và các phường khắc phục, đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân; đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời.

Huyện Đông Anh: Bão số 3 khiến 1.541 cây và 112ha lúa, 14ha chuối, ngô gãy đổ. Toàn huyện có 20 lán xưởng, nhà, công trình bị tốc mái, đổ tường rào. Về hệ thống điện, có 19 lộ đường dây trung áp MC và RE bị ảnh hưởng; 10 cột điện trung thế và 30 cột điện hạ thế đổ, gãy.

dong-anh-8-9.jpg
Ngay từ sáng sớm 8-9, các lực lượng trên địa bàn huyện Đông Anh đã tiến hành khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra. Ảnh: Minh Đỗ

Trước đó, huyện đã di chuyển 231 hộ, 446 người tại các khu vực nhà ở, lán xưởng có nguy cơ.

dong-anh-2-8-9.jpg
Các lực lương khẩn trương cắt, thu dọn cây xanh gãy đổ, bảo đảm giao thông cho người dân. Ảnh: Minh Đỗ

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, ngay sau khi bão tan, công tác khắc phục đã được triển khai, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Hiện tại, huyện tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thiệt hại trên địa bàn; đồng thời tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây xanh gãy đổ, công trình hư hại, hỗ trợ người dân.

Đặc biệt, huyện yêu cầu tập trung sửa chữa hệ thống đường điện bị hư hỏng, nhanh chóng cấp điện trở lại phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

danh-3.jpg
Các lực lượng đang khẩn trương xử lý cây đổ trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Minh Đỗ

Đối với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng, các phòng, ban chuyên môn, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm phục hồi sản xuất.

Huyện Quốc Oai đã huy động hơn 400 người khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Toàn huyện có 241 cây xanh bị gãy, đổ; gần 900ha lúa bị ngập, đổ, có nguy có cao ảnh hưởng đến năng suất; 180ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập.

3qo.jpg
Nhiều cây xanh trên các trục giao thông ở huyện Quốc Oai bị đổ, gãy. Ảnh: Hoàng Sơn

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai đã chỉ đạo UBND các xã, trị trấn giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy, không để ùn tắc giao thông; vận hành 9 trạm bơm tiêu, với 32 tổ máy hoạt động.

5qo.jpg
Lãnh đạo huyện Quốc Oai trực tiếp đi kiểm tra hiện trường và chỉ đạo khắc phục sự cố cây xanh gãy đổ. Ảnh: Hoàng Sơn
4qo.jpg
Nhiều cây xanh gãy, đổ gây hư hỏng nhà dân được các lực lượng chức năng khẩn trương di chuyển. Ảnh: Hoàng Sơn

Trước mắt, huyện Quốc Oai bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh…

Để phòng, chống lũ rừng ngang trên sông Tích, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai đề nghị người dân không chủ quan, thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật liên tục diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn…

Quận Bắc Từ Liêm: Tính đến 7h00 ngày 8-9, có 225 hộ cần phải di dời, 30 nhà bị tốc mái, 4 nhà bị sập, đổ; 594 cây xanh bị đổ; 83ha hoa màu bị ngập. Quận chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản khác.

z5807002504064_ce614ad155fe8ff225c7a5d3aac06f59(1).jpg
Khẩn trương khắc phục sự cố mưa bão tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hiền Phương

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiến cứu nạn quận đã chỉ đạo các đơn vị, UBND các phường khẩn trương khắc phục ngay các sự cố, đảm bảo sinh hoạt của nhân dân. Quận đang vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước cho các khu vực sản xuất nông nghiệp bị ngập úng; tiếp tục xử lý cây gãy đổ, sự cố mất điện tại một số địa bàn và các sự cố khác.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rạng sáng 8-9, điều động 400 cán bộ, chiến sĩ và 14 phương tiện chuyên dùng của lực lượng chủ lực phối hợp lực lượng tại chỗ giúp địa phương khắc phục hậu quả cây đổ tại 8 quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ giúp nhân dân thu hoạch hoa màu các vùng ngập úng; thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn..

z5805994781609_06a1a3bf2cab0f2adb290ea9f5c7197e.jpg
Lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia khắc phục sự cố mưa bão. Ảnh Hiền Phương

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời 249 hộ dân với 690 nhân khẩu tại địa bàn có nguy cơ sạt lở, sập đổ nhà tạm tại các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Sơn Tây, Mỹ Đức, Gia Lâm.

Lực lượng dân quân tự vệ tại các địa phương đã trợ giúp nhân dân chằng, buộc nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Trên 3.000 dân quân tự vệ, dân quân thường trực tham gia giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả.

Quận Hà Đông: Theo báo cáo nhanh đến 5h ngày 8-9 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận, bão số 3 đã khiến hơn 700 cây xanh đô thị bị gãy, đổ.

458753638_1089817876478241_867787570280137069_n.jpg
Cây to bật gốc tại phường Quang Trung, quận Hà Đông. Ảnh: Thu Uyên

Đã có 1 nhà dân bị sập do cây đổ, 22 nhà dân bị tốc mái tôn, 9 ô tô bị hư hỏng do cây đổ đè vào, một số tường rào cơ quan, đơn vị bị đổ... Toàn quận có 25 cột điện, đèn chiếu sáng bị gãy, đổ; nổ 2 bốt điện, một số tuyến dây điện bị đứt do cây đổ vào.

458583379_1089818019811560_3930281092005555388_n.jpg
Cây đổ đè lên ô tô. Ảnh: Thu Uyên
458766731_1089818643144831_3034990221987934450_n.jpg
Lực lượng chức năng xử lý cây gãy, đổ. Ảnh: Thu Uyên

Quận đã huy động 329 người, nhiều vật tư, trang thiết bị khẩn trương xử lý cây xanh đổ, gãy.

Trong sáng nay 8-9, quận tiếp tục tổ chức 350 cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn hỗ trợ các đơn vị, phường khắc phục hậu quả cơn bão.

Quận Long Biên: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận, tính đến 6h ngày 8-9, trên địa bàn quận vẫn còn một số điểm úng ngập. Các lực lượng đã tua rác miệng thu, cửa xả, máy móc, thiết bị đã được huy động tại các điểm ngập để tăng khả năng thoát nước, đồng thời, vận hành tối đa các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống.

lb.jpg
Bão số 3 đi qua trên địa bàn quận Long Biên làm 929 cây gãy đổ. Ảnh: V.Toản

Cơn bão số 3 đi qua địa bàn làm 929 cây gãy đổ. Do ảnh hưởng của mưa bão nên phường Cự Khối đã di dời 8 người khỏi 1 nhà trọ bị tốc mái, UBND phường đã bố trí nơi ở tạm tại Nhà văn hóa tổ dân phố số 4. Còn tại phường Đức Giang, di dời 3 hộ tại tổ 7; 3 hộ tổ 12 và 2 hộ tổ 14. Phường Gia Thụy di chuyển 33 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bão số 3 cũng làm gãy, đổ 12 cột điện trên địa bàn; 8 nhà cửa, công trình bị tốc mái; 8 xe máy và ô tô bị hư hỏng do cây đổ.

Quận Tây Hồ: 243 cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, đến nay đã giải tỏa xong. Hiện quận Tây Hồ tiếp tục vận động di dời các hộ dân tại khu tập thể P16A Thụy Khuê.

tk-cay-do-ndt.jpg
Bão số 3 khiến 243 cây xanh trên địa bàn quận Tây Hồ bị gãy đổ. Ảnh: CTV

Bão khiến 1 cột điện chiếu sáng tại 202 phố Yên Hoa gãy; 2 ô tô của người dân bị thiệt hại do cây đổ (tại địa bàn Xuân La); 2 nhà bị tốc mái, nhiều biển hiệu quảng cáo, mái hiên, mái vẩy của nhà dân bị hư hại. Chánh Văn phòng Quận ủy Tây Hồ Hoàng Mạnh Tiến cho biết, quận sẽ tiếp tục tổ chức trực; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời triển khai các phương án phòng, chống thiên tai và và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến 5h sáng nay (8-9), các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện giải tỏa, thu dọn được trên 570 cây đổ, khoảng 500 cành gãy.

dinh-le.jpeg
Cây sấu cổ thụ trên phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm) bật gốc trong đêm 8-9. Ảnh: Hương Vũ

Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục giải tỏa các trường hợp còn lại theo nguyên tắc: Ưu tiên theo thứ tự giải quyết giải tỏa phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, nơi có các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...

hang-gai-hk.jpeg
Hiện trường cây gãy, đổ ngổn ngang trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) trong sáng 8-9. Ảnh: Hoàng Minh

Các đơn vị duy trì cây xanh sẽ tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy cùng với sự hỗ trợ của UBND quận, huyện, các đơn vị chức năng, các đơn vị duy trì cây xanh, thoát nước, chiếu sáng. Dự kiến, trong vòng 24 giờ sẽ hoàn thành công tác giải tỏa trước mắt để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính công ty được giao quản lý.

Sau đó, các đơn vị sẽ triển khai tiếp tục công tác xử lý thu dọn cây đổ cành gãy, dựng lại cây, và dọn dẹp vệ sinh, thu hồi củi gỗ, dự kiến sẽ hoàn tất toàn bộ công việc trong thời gian từ 7-10 ngày.

Củi gỗ thu hồi sẽ được tập kết về các địa điểm thuận lợi cho việc vận chuyển như Vườn ươm Yên Sở, Vườn ươm Cổ Nhuế, bãi tập kết tại dốc La Pho và tập kết tạm tại Công viên Tuổi trẻ.

tai-trau.jpeg
Công nhân Xí nghiệp quản lý duy trì hồ, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội tiếp tục ứng trực, vệ sinh rác tại hồ Tai trâu (quận Long Biên). Ảnh: Uyên Hoàng

Về diễn biến mưa, thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố có mưa diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 150-300 mm.

Cho đến 5h sáng ngày 8-9, thành phố đã xảy ra 19 điểm úng ngập cục bộ, đến nay đã khắc phục còn 5 điểm ngập cụ thể. Tại lưu vực sông Cầu Bây: Các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ do mực nước sông Cầu Bây cao (mực nước tại Đập Trại lợn 4.05). Tại lưu vực sông Nhuệ: Chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, các hầm chui Đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 ngập 15-20cm.

Các điểm ngập trên đang được các đơn vị thoát nước xử lý, dự kiến đến 8h sáng nay sẽ hết ngập nước.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, các lực lượng của công ty đang tập trung xử lý các cây đổ xuống kênh mương, sông hồ, thu dọn vệ sinh lá cây, rác trên các ga thu và phối hợp hỗ trợ các đơn vị, địa phương thu dọn cây đổ trên đường phố; đồng thời tiếp tục ứng trực, chủ động thoát nước cho các trận mưa tiếp theo.

phan-boi-chau.jpeg
Công nhân Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp ứng trực thoát nước trên phố Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Uyên Hoàng

Bão số 3 gây ra trên 181 sự vụ ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: Chạm chập, mất pha, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn...

Các sự vụ trên đang được xử lý, giải tỏa kịp thời. Các lực lượng đã xử lý xong 106/181 sự vụ và đang tiếp tục khắc phục trong thời gian sớm nhất đảm bảo công tác chiếu sáng đô thị.

Các sự cố gây hư hỏng nêu trên không ảnh hưởng đến công tác cấp điện hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Việc khắc phục dự kiến xong trong ngày 8-9.

Quận Nam Từ Liêm: Hôm nay, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cùng các cơ quan, đơn vị chức năng đã kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng huy động tổng lực, phương tiện tham gia làm nhiệm vụ khắc phục thiệt hại sau cơn bão.

z5808678295181_42ced52d0261a7c4d50021f5bcb06e85(1).jpg
Lãnh đạo quận Nam Từ Liêm trực tiếp kiểm tra tình hình sau mưa bão. Ảnh: Hiền Phương

Suốt đêm 7, rạng sáng 8-9, các lực lượng của quận Nam Từ Liêm đã tập trung khắc phục sự cố tại địa bàn các phường và tuyến đường, phố trên địa bàn.

1.148 người đã được huy động để khắc phục sự cố do bão số 3 gây ra trong đêm 7-9 và rạng sáng 8-9. Toàn bộ lực lượng phòng, chống bão làm việc xuyên đêm.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn cho biết: Trong hôm nay, quận tiếp tục vận hành các trạm bơm để tiêu thoát nước cho các khu vực sản xuất nông nghiệp và khu dân cư bị ngập úng.

z5808245367442_d5bfaf4be1d372639227876885916f6e.jpg
Các lực lượng của quận Nam Từ Liêm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong đêm 7 sạng ráng 8-9. Ảnh: Hiền Phương.
z5808245363549_0d924c0f48c086b0b9c18279b7d32626.jpg
Quận Nam Từ Liêm huy động nhiều lực lượng làm nhiệm vụ trong đêm 7-9. Ảnh Hiền Phương.

Tính đến 16h ngày 8-9, trên địa bàn quận vẫn còn một số điểm ngập úng; có 1.229 cây đổ và 421 cây gãy cành. UBND các phường đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn thực hiện cắt dọn, di dời đảm bảo an toàn cho người dân và tạo thuận lợi cho việc lưu thông.

Đối với sự cố điện tại 17 trạm biến áp và đường dây điện do cây đổ, đã xử lý được 8 trường hợp và hiện tiếp tục xử lý các trường hợp còn lại. Đối với một công trình nhà tạm bị sập đổ, UBND phường Cầu Diễn đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ hỗ trợ người dân xử lý xong. Đến nay, quận Nam Từ Liêm chưa ghi nhận thiệt hại về hoa màu và vật nuôi.

Huyện Hoài Đức: Trên địa bàn có khoảng 230ha rau màu, ngô, cây ăn quả bị đổ, gãy cành, rụng quả; 1.931 cây xanh bị đổ, gãy; 92 biển quảng cáo bị rơi, 27 lán tạm bị tốc mái, 36 cột điện bị nghiêng, 106m tường bao bị đổ...

eb2086d3d6823fdc6693-342625677.jpg
Lực lượng quân đội trên địa bàn huyện Hoài Đức tham gia hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Trung Nguyên
f50cbce3ecb205ec5ca3-342626729.jpg
Lực lượng chức năng và nhân dân các xã trên địa bàn huyện Hoài Đức chặt hạ, xử lý cây gãy đổ sau bão. Ảnh: Trung Nguyên

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã huy động 6 lượt xe chỉ huy, 8 lượt xe tải 2,5 tấn; 87 lượt cán bộ của lực lượng quân đội tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả, xử lý sự cố thiên tai.

Ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn cũng huy động 85 lượt phương tiện các loại, 1.070 lượt cán bộ, dân quân thường trực, dân quân tự vệ cùng các ngành, đoàn thể địa phương kịp thời xử lý sự cố do bão số 3 gây ra trên địa bàn.

Để bảo đảm tiêu thoát nước, hạn chế tối đa ngập úng, huyện đã chỉ đạo vận hành 5 máy bơm tại trạm bơm Đồng Nghể 1, công suất 1.000m3/h, vận hành 25 máy bơm tại trạm bơm Đào Nguyên với công suất 1.800m3/h từ 13h ngày 7-9.

UBND huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24 giờ, kịp thời xử lý sự cố xảy ra; đồng thời, cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo, xử lý ngay nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội dồn lực khắc phục hậu quả bão số 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.